Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên viết tiếp truyền thống 31 năm phát triển

Mỹ Duyên - Nhật Minh

Trong hành trình 31 năm xây dựng và phát triển (26/5/1992 - 26/5/2023), Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Tây Nguyên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành quả đạt được trong 31 năm qua của đơn vị đã tô đậm thêm truyền thống vẻ vang, tự hào trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quản lý.

Xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển

Ngày 26/5/1992, Chi cục Dự trữ Tây Nguyên (tiền thân của Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên) được thành lập theo Quyết định số 657/DT-QĐ của Cục Dự trữ Quốc gia (DTQG), nay là Tổng cục DTNN có chức năng trực tiếp quản lý, bảo quản các loại vật tư hàng hóa DTQG trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên là 1 trong những đơn vị của ngành DTNN thực hiện tốt phong trào xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên là 1 trong những đơn vị của ngành DTNN thực hiện tốt phong trào xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Trong những ngày đầu mới thành lập, hệ thống kho tàng của đơn vị được tiếp nhận chủ yếu từ Tổng kho 3 của Chi cục III (nay là Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ) và Cụm kho C.443 (Gia Lai - Kon Tum) của Chi cục V (nay là Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình).

Vào thời điểm đó, Cục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ cấu tổ chức bộ máy chỉ có 3 phòng nghiệp vụ và 2 Tổng kho trực thuộc; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động rất khó khăn, phải mượn tạm nhà làm việc và một số phương tiện làm việc như bàn, tủ để làm việc, hệ thống kho tàng xuống cấp, tích lượng thấp.

Mặt hàng dự trữ chủ yếu là thóc bảo quản bằng phương pháp đổ rời; về đội ngũ cán bộ, công chức chỉ có một số ít nguyên là cán bộ của Tổng kho 3 và C.443 (Gia Lai - Kon Tum) chuyển qua là có kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về ngành DTNN, còn lại đa số là chưa qua đào tạo nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn về bảo quản hàng DTQG...

Lường trước, nhận diện được những khó khăn, thách thức đó, nhưng với tinh thần đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, đổi mới tư duy, sáng tạo trong công việc, tập thể đơn vị đã chung sức, đồng lòng cùng nhau đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển hiện nay của đơn vị.

Trải qua 31 năm dưới “mái nhà” ngành DTNN, mặc dù tên đơn vị ở từng giai đoạn có khác nhau, phạm vi địa bàn quản lý có thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên thực hiện thao tác nghiệp vụ trên phần mềm vật tư hàng hóa của ngành DTNN.
Cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên thực hiện thao tác nghiệp vụ trên phần mềm vật tư hàng hóa của ngành DTNN.

Năm 2004, đơn vị được đổi tên thành DTQG khu vực Tây Nguyên, quản lý địa bàn 4 tỉnh gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Đến năm 2009, đơn vị đổi tên thành Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên và cho đến ngày nay, quản lý địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Trong suốt chặng đường 31 năm hình thành và phát triển, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng mục tiêu DTQG trên địa bàn quản lý, đó là chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh, khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điển hình như: Năm 2022, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã hoàn thành xuất cấp gần 4.300 tấn gạo để hỗ trợ kịp thời Nhân dân trong các dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; xuất cấp gần 7.000 tấn gạo với tổng giá trị gần 88 tỷ đồng để hỗ trợ học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.  

5 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã hoàn thành xuất cấp 2.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 500 chiếc phao áo cứu sinh, 06 bộ máy bơm nước chữa cháy cho Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, Binh đoàn 15, Học viện Lục quân với tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng.

Hàng DTQG xuất cấp đến với các đơn vị tiếp nhận, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn và học sinh được kịp thời, bảo đảm số lượng, chất lượng theo quy định.

Thời gian qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ xuất cấp các mặt hàng DTQG đảm bảo đủ số lượng, chất lượng.
Thời gian qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ xuất cấp các mặt hàng DTQG đảm bảo đủ số lượng, chất lượng.

Ngoài đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa bàn quản lý, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tổng cục DTNN nên hệ thống kho DTQG của Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã từng bước được cải tạo, sửa chữa xây mới với tổng tích lượng quy đổi hơn 20.000 tấn.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn, chất lượng hàng DTQG nhập kho luôn được Cục đặt lên hàng đầu, thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn do Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN quy định. Nhờ đó, hàng DTQG khi được giao đến người thụ hưởng luôn được kịp thời, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng.

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong chặng đường phát triển mới

Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp nối truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, trong hành trình mới, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, để xứng đáng là đơn vị vững mạnh, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của ngành DTNN.

Nêu rõ định hướng triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Thắng - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình năng lực cao.

Thực hiện tốt công tác mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG theo kế hoạch được giao đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xuất cấp kịp thời các mặt hàng DTQG theo quyết định của cấp có thẩm quyền để phục vụ nhân dân, khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm an toàn hàng dự trữ theo quy định của Nhà nước và Tổng cục DTNN; thực hiện tốt phong trào xây dựng vùng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp...