Đăng ký mẫu hợp đồng cho vay tiêu dùng: Có khả thi?

PV.

Yêu cầu dịch vụ cho vay tiêu dùng phải đăng ký mẫu hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, theo một quy chuẩn cụ thể đã và đang nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ phía hệ thống các tổ chức tài chính. Giới chuyên gia nhận định, việc các quy định hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường vốn, về lâu dài sẽ gây méo mó các quan hệ tín dụng!

Gian nan trình xét mẫu hợp đồng

Theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, kể từ ngày 15/10/2015, các tổ chức tín dụng (gồm: Công ty tài chính - CTTC, ngân hàng thương mại - NHTM) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu nếu muốn ký các hợp đồng phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng).

Chia sẻ vấn đề này bên lề hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng", bà Nguyễn Phương Anh, Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) cho rằng: Quyết định 35/2015/QĐ-TTg đã có hiệu lực từ cuối năm 2015 song do các CTTC và NHTM đang khó khăn, nên cơ quan quản lý nới thời gian thực hiện quy định này.

“Giãn thời gian thực hiện không có nghĩa là doanh nghiệp có thể kéo dài vô thời hạn, chỉ khi nào doanh nghiệp đăng ký và được chấp nhận mẫu hợp đồng đăng ký, thì mới được áp dụng cho vay theo hợp đồng đấy”, bà Phương Anh nói.

Được biết, triển khai thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, các tổ chức tín dụng cũng đã trình các hợp đồng mẫu đến Cục QLCT để cơ quan này xét duyệt. Nội dung hợp đồng tín dụng đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh và loại bỏ những quy định vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số ngân hàng, hiện họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định này; hoạt động của các CTTC cũng không nằm ngoại lệ.

Bởi vì, khi các tổ chức tín dụng chuyển hợp đồng mẫu tới Cục QLCT đăng ký, thì bị Cục QLCT trả lại và yêu cầu điều chỉnh loại bỏ những quy định trái với quy định nêu trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã phải rất vất vả, tốn kém chi phí để sửa đổi các quy định về hợp đồng, khi ra nhiều sản phẩm cho vay khác nhau”, cho biết điều này, ông Trần Vũ, Giám đốc pháp chế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn phân trần:

Quyết định 35/2015/QĐ-TTg quy định, có ba loại dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, thực tế nó lại ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ hoạt động cho vay cá nhân của ngân hàng; trong đó, bao gồm cả việc cho cá nhân vay mua nhà để đầu cơ chứ không phải vì mục đích tiêu dùng cuối.

Hơn nữa, số hợp đồng được Cục QLCT thông qua cũng rất ít so với số hợp đồng được ngân hàng gửi đến cơ quan này. Trong đó, cơ quan quản lý đòi hỏi ngân hàng phải sửa đổi bổ sung nhưng lại không yêu cầu cụ thể nội dung cần bổ sung vào mẫu hợp đồng là gì, cũng như lý do làm sao phải bổ sung.

Hài hòa lợi ích cho cả tổ chức tín dụng lẫn khách hàng

Trên quan điểm khách quan, ThS. Nguyễn Đức Long, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay: Dịch vụ tín dụng tiêu dùng của các CTTC đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

“Nếu không có loại hình tín dụng này, chắc chắn họ sẽ phải tìm đến tín dụng đen. Như vậy còn nguy hại hơn rất nhiều. Bởi so với lãi suất cho vay cầm đồ trên 110%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC thấp hơn rất nhiều”, ông Long nói.

Khảo sát có thể thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng ở các nước đều cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng. Tại các nước này cũng có tình trạng lãi suất cho vay tiêu dùng tăng quá cao, gây bức xúc trong xã hội, do đó, việc tăng cường quản lý trong lĩnh vực này cũng trở thành chủ đề gây nhiều tranh luận.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường trong dài hạn, cơ quan quản lý đã hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính vào lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay tiêu dùng về cơ bản là theo cơ chế thỏa thuận, nếu có kiểm soát thì chỉ nên quy định chọn lọc đối với một số phân khúc ít có ảnh hưởng.

Giải pháp chính thường là tăng cường các quy định về minh bạch hóa thông tin, nâng cao trách nhiệm của cả CTTC và người đi vay, nâng cao điều kiện đăng ký kinh doanh,

Trông người lại ngẫm đến ta, để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích cho cả CTTC lẫn khách hàng, công tác quản lý cho vay tiêu dùng cần hướng đến việc làm sao đảm bảo tính chủ động của các tổ chức tín dụng trong áp dụng lãi suất cho vay. Từ đó, tăng tính cạnh tranh, nâng cao khả năng quản lý rủi ro và phân bổ nguồn vốn hiệu quả.

Việc sử dụng các quy định hành chính để can thiệp trực tiếp vào thị trường vốn, về lâu dài sẽ gây méo mó quan hệ tín dụng. Ví như việc áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ dẫn đến lãi suất cho vay bị cào bằng, lách trần lãi suất.

Về mặt pháp lý, chưa có căn cứ rõ ràng về việc quy định trần trong hoạt động cho vay và không thống nhất với cơ chế cho vay thỏa thuận đang áp dụng với hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng (Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan).

Tóm lại, để công cụ quản lý hành chính phát huy được công năng, chúng ta cần hướng tới cơ chế quản lý gián tiếp đối với hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng theo hướng kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, rủi ro cho vay và bảo vệ quyền lợi khách hàng.