Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Thuế
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành Thuế được phát triển qua hơn 30 năm theo các chương trình cải cách, hiện đại hoá của Chính phủ, phù hợp với giải pháp, công nghệ, hạ tầng, trang thiết bị tại các cơ quan thuế theo từng giai đoạn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Kết quả chuyển đổi số trong ngành Thuế
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, thời gian qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Về cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019, Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, cụ thể là:
Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC
Tổng cục Thuế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 03 quyết định công bố bãi bỏ 114 TTHC và công bố mới 47 TTHC. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, người dân và DN có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận lợi hơn.
Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục Thuế và 413 chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7. Trong năm 2022 (tính đến hết tháng 9/2022), hệ thống đã tiếp nhận và trả lời được 4.765 câu hỏi, đạt tỷ lệ 90,1% tổng số câu hỏi phải trả lời trong kỳ.
Về phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp
Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Triển khai hóa đơn điện tử
Ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1 tại 06 tỉnh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ công bố triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc. Đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai HĐĐT cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Hệ thống HĐĐT của cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý 6,4 tỷ hóa đơn 1 năm, tương đương với trung bình là 175 triệu hóa đơn/ngày.
Việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Triển khai các dịch vụ Thuế điện tử
Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% DN trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Song song với đó, cơ quan thuế đẩy mạnh triển khai các ứng dụng thuế điện tử cho các cá nhân. Theo đó, dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) đã được Tổng cục Thuế triển khai tại 63 cục Thuế và các chi cục Thuế trực thuộc.
Tính đến 15/10/2022, đã có 1.139.586 tài khoản đăng ký. Tổng cục Thuế đã kết nối với 10 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking.
Tổng cục Thuế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho 63/63 tỉnh, thành phố. Trong 09 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã hỗ trợ kết nối trao đổi thông tin với cơ quan tài nguyên và môi trường tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Cần Thơ, Tây Ninh, Bắc Giang, Kon Tum, Bạc Liêu, Yên Bái, nâng số đơn vị triển khai kết nối liên thông lên 24 tỉnh/thành phố.
Triển khai dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động và Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài
Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã công bố ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Theo đó, người nộp thuế có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc người nộp thuế sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục.
Tổng cục Thuế đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 13 ngân hàng (BIDV, SCB, ACB, Hdbank, Tpbank, VCB, Viettinbank, MBB, OCB, Shinhanbank, Eximbank, Việt Á, Agribank) và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Đến ngày 30/9/2022 đã có 173.214 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 75.645 giao dịch với tổng số tiền trên 323 tỷ đồng (đã nộp thành công 91,5 tỷ đồng). Tương lai dịch vụ thuế điện tử trên các thiết bị di động sẽ được tiếp tục phát triển hỗ trợ hộ kinh doanh và người nộp thuế là cá nhân.
Cũng trong ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế chính thức công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có địa chỉ kinh doanh tại Việt Nam. NCCNN có thể gửi hồ sơ và tra cứu, nhận các thông báo của cơ quan thuế về mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế để đơn giản hóa thông tin về khoản nộp thuế, hỗ trợ cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Đến ngày 30/9/2022, có 36 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó có 06 NCCNN lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương hơn 1.200 tỷ VNĐ.
Triển khai tích hợp hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Năm 2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ; hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia có kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin người nộp thuế là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính.
Với các kết quả đã đạt được nêu trên, trong 2 năm liên tiếp, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021- 2022. Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, DN, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo.
Định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế giai đoạn 2022-2025
Tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được trong công tác chuyển đổi số năm 2021-2022, trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:
- Phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước.
- Cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.
- Ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế...
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.
Để có được sự thành công trong chuyển đổi số, giai đoạn 2022-2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế, cụ thể:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
Hai là, xây dựng và triển khai hệ thống Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn…; Phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.
Ba là, triển khai giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới. Xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ số.
Bốn là, xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh bao gồm: Triển khai nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.
Năm là, triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế).
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
3. Tổng cục Thuế (2022), Công văn số 38/CNTT-KHTH ngày 20/10/2022 về Công nghệ thông tin.