Đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm

PV.

Từ tháng 5/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ động nghiên cứu, đánh giá tổng kết Bộ luật Lao động 2012. Hiện nay, từ cuối tháng 3/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiến hành lấy ý kiến góp ý lần thứ hai đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Dự thảo tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các chủ đề lớn sau, trong đó có đề xuất về Thời giờ làm việc – Thời giờ nghỉ ngơi (dự thảo đang thể hiện 2 phương án về tăng giờ làm thêm của người lao động; 2 phương án về làm thêm giờ trong những trường hợp đột xuất; 2 phương án về nghỉ trong giờ làm việc; vấn đề nghỉ phép năm).

Cụ thể, tại điểm b Khoản 2, Điều 82 của dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi cơ quan soạn thảo tiếp nhận ý kiến góp ý, tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến góp ý lần hai, nhằm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, với mục tiêu là tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày.

Qua nghiên cứu và khảo sát về quy định về số giờ làm thêm tại các quốc gia trong khu vực, cho thấy tại Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế.... Các con số trên chứng tỏ số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (không quá 200 giờ /năm).

Từ đó, Ban soạn thảo đã đề xuất đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lấy ý kiến góp ý lần thứ hai,  2 phương án:

Phương án 1:  Người lao động làm thêm giờ được trả tiền lương làm thêm giờ tính theo tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn như sau:  Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;  Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.

Đồng thời,  người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 30% tiền lương của giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày;  Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động còn được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 50% tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày.

Phương án 2: Người lao động làm thêm giờ được trả tiền lương làm thêm giờ tính theo tiền lương giờ làm việc bình thường như sau: Vào ngày thường: ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo; Vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo;  Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.

Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường;  Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động còn được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 50% tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày.