Điểm tin tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 24 - 28/07/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu với bạn đọc một số điểm nhấn kinh tế - tài chính quốc tế nổi bất trong tuần vừa qua (24 - 28/07).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,25 điểm

Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,25 điểm (0,15%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (28/7/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, ghi nhận các chỉ số lần lượt là: Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 3,46 điểm (0,11%) lên 3.253,24 điểm. Kospi (Hàn Quốc) giảm 42,25 điểm (-1,73%) xuống 2.400,99 điểm.

Hang Seng (Hong Kong) giảm 151,78 điểm (-0,56%) xuống 26.979,39 điểm. S&P/ASX 200 (Australia) giảm 82,2 điểm (-1,42%) xuống 5.702,8 điểm. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 119,8 điểm (-0,6%) xuống 19.959,84 điểm.

Trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng cao
Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, trong tuần (17 - 22/7/2017), số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng 10 nghìn đơn từ mức thấp nhất của 3 tháng gần đây lên 244 nghìn đơn, cao hơn 241 nghìn đơn (dự báo của Reuters), tuy nhiên vẫn đánh dấu tuần thứ 125 liên tiếp dưới ngưỡng 300 nghìn đơn - ngưỡng cho thấy thị trường lao động phát triển mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lao động phát triển mạnh là điều kiện hỗ trợ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED có thể cắt giảm 4,2 nghìn tỷ USD danh mục đầu tư trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp từ tháng 9/2017 và tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm vào tháng 12/2017. 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ triển khai Công cụ điều phối chính sách phi tài chính hỗ trợ chính phủ các nước gặp khó khăn về tài chính 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết sẽ triển khai Công cụ điều phối chính sách phi tài chính - PCI nhằm hỗ trợ chính phủ các nước gặp khó khăn về tài chính. Công cụ này không đặt ra tiêu chí về các điều kiện bắt buộc đối với các nước cần hỗ trợ mà chỉ tập trung vào gói chính sách của Chính phủ, khi các nước này không có nợ quá hạn đối với các khoản thanh toán cho IMF.
PCI có chức năng như một con dấu phê duyệt chương trình cải cách của Chính phủ một nước, giúp nước này có cơ hội tiếp cận các hình thức tài trợ khác từ các ngân hàng và thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ dựa vào PCI sẽ phải đáp ứng điều kiện tương tự như đối với khoản vay tiêu chuẩn của IMF.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,5% trong năm 2017 và 3,6% vào năm 2018

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 3,5% trong năm 2017 và 3,6% vào năm 2018, bằng mức dự báo tháng 4/2017. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone đạt 1,9% trong năm 2017 và 1,7% vào năm 2018, cao hơn mức tăng trưởng tương ứng là 1,7% và 1,6% đưa ra trước đó.  Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng 2,1% trong cả hai năm 2017 và 2018, thấp hơn mức tăng trưởng tương ứng là 2,3% và 2,5% đưa ra trước đó.