Điện tử hóa công tác quản lý thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí khẳng định, việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử giúp cho ngành Thuế cung cấp được các dịch vụ thuế chuyên nghiệp, thuận lợi, an toàn cho người nộp thuế (NNT).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tin học - thống kê ngành Tài chính lần thứ 5, diễn ra sáng 24/5, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, từ năm 2014 đến nay, Tổng cục Thuế đã có những bước tiến mới trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đặc biệt tăng cường các dịch vụ thuế điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các ngành khác đưa mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN-6.

Bên cạnh dịch vụ khai và nộp thuế điện tử, ngành Thuế tiếp tục triển khai thí điểm và mở rộng triển khai các dịch vụ hoàn thuế điện tử, khai-nộp điện tử cho hoạt động cho thuê tài sản; trong thời gian tới triển khai thí điểm triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ (LTPB), hộ cá nhân qua mạng.

Triển khai nộp thuế điện tử tới 100% doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Đại Trí, dịch vụ khai thuế điện tử là dịch vụ công điện tử đầu tiên của ngành Thuế được bắt đầu triển khai từ năm 2009. Dịch vụ khai thuế điện tử cung cấp cho người nộp thuế công cụ có thể kê khai các loại tờ khai trên ứng dụng hỗ trợ khai thuế (HTKK) tại máy trạm của NNT và gửi dữ liệu tờ khai qua mạng hoặc khai trực tiếp trên hệ thống khai thuế điện tử (iHTKK) của ngành Thuế hàng tháng/quý/năm.

Đến nay, hầu hết các loại hồ sơ khai thuế của tất cả các sắc thuế đã được hỗ trợ nộp qua dịch vụ công điện tử, một số loại tờ khai dành cho các đối tượng riêng biệt sẽ được tiếp tục xây dựng và cung cấp trong năm 2017-2018.

Các doanh nghiệp hiện tại hầu như không phải đến cơ quan Thuế để nộp hồ sơ như trước đây. Đối với việc tiếp nhận các hồ sơ khai thuế của cơ quan Thuế cũng không còn phải bố trí lượng lớn cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ trong khoảng thời gian ngắn, ví dụ như hồ sơ quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp vào cuối tháng 3 hàng năm.

Tiếp nối thành công của dịch vụ khai thuế điện tử, dịch vụ nộp thuế điện tử được ngành Thuế bắt đầu cung cấp từ năm 2013. Đây là dịch vụ công của ngành Thuế cho phép NNT thực hiện việc lập giấy nộp tiền trên cổng thông tin của cơ quan Thuế, gửi các ngân hàng, Kho bạc để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước. Dịch vụ nộp thuế điện tử tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nộp thuế tại bất kỳ nơi nào có kết nối Internet, lập giấy nộp tiền điện tử để cắt chuyển nộp tiền thuế từ tài khoản của doanh nghiệp đến tài khoản của Kho bạc, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục thuế.

Để các dịch vụ công điện tử được doanh nghiệp và NNT hưởng ứng, toàn ngành Thuế đã nỗ lực thực hiện triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và hướng dẫn người nộp thuế thực hiện khai và nộp thuế điện tử.

Tại nhiều địa phương trên cả nước, các dịch vụ công này của ngành Thuế không chỉ nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và người nộp thuế mà còn nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các ban ngành có liên quan,… Cùng với đó, ngành Thuế cũng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp quyết liệt từ Tổng cục tới tận từng cán bộ hoạt động trên khắp các địa phương đã góp phần giúp ngành Thuế đạt được kết quả ấn tượng.

Cụ thể: Từ 60% doanh nghiệp khai thuế điện tử đầu năm 2014, tới cuối năm 2014, ngành Thuế đã đạt chỉ tiêu 95% doanh nghiệp khai thuế điện tử và đạt 99,81% vào tháng 12/2016.

Thí điểm nộp thuế điện tử từ tháng 2/2014 với số lượng rất nhỏ các doanh nghiệp tham gia. Trong vòng 6 tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đã từ 16.610 doanh nghiệp tăng vọt lên 449.982 ở thời điểm 30/9/2015. Đến tháng 12/2016, với 45 ngân hàng phối hợp triển khai nộp thuế điện tử, đã có trên 97% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Trong năm 2017, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục duy trì vận hành, nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế điện tử đáp ứng các chính sách nghiệp vụ thay đổi để cung cấp các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế; Thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Đánh giá chung, việc triển khai dịch vụ khai, nộp thuế điện tử trên cả nước đã giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục khai, nộp thuế, giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp và tiết kiệm được thời gian thực hiện các thủ tục về thuế.

Bên cạnh việc nâng cao dịch vụ cung cấp cho người dân và đánh giá  của khu vực đối với ngành Thuế bởi các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên 95% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thì việc triển khai sâu rộng dịch vụ thuế điện tử còn tạo thuận lợi cho các ngành khác triển khai dịch vụ công trực tuyến như các thủ tục đăng ký xe, chuyển nhượng đất đai...

Giảm thời gian, chi phí nhờ hóa đơn điện tử

Triển khai các dịch vụ công điện tử giúp giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, hóa đơn điện tử (HĐĐT) là giải pháp vừa giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, đơn giản thủ tục sử dụng hóa đơn, vừa hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan Thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, triển khai hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí tài chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp trong việc in, phát hành, gửi và lưu trữ hóa đơn giấy; giúp ngành Thuế có thể xây dựng kho dữ liệu tập trung về hóa đơn phục vụ kịp thời công tác quản lý thuế, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế.

Hiện nay, ngành Thuế đã thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế cho khoảng 200 DN tại Hà Nội và TP HCM. Đến thời điểm hiện tại gần 4 triệu hóa đơn được cấp mã với tổng số tiền hơn 30 nghìn tỷ đồng, tổng số thuế gần 2 nghìn tỷ đồng.

Để triển khai hóa đơn điện tử rộng khắp, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp lý để tiển hành theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2017-2018) tiến hành hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Quyết định thí điểm sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan Thuế, các quy chế, quy trình liên quan đến tổ chức triển khai đăng ký sử dụng HĐĐT đối với các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro về thuế. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp hệ thống CNTT. Dự kiến triển khai với phạm vi 12.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ HĐĐT có mã xác thực của cơ quan Thuế, 1 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Giai đoạn 2 (năm 2018-2020): Xây dựng Nghị định, Thông tư mới làm căn cứ pháp lý quy định về việc sử dụng HĐĐT đảm bảo việc triển khai HĐĐT có mã cơ quan Thuế với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và thu thập dữ liệu hóa đơn của các doanh nghiệp tự triển khai HĐĐT, xây dựng cơ sở pháp lý cho các đơn vị tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã cơ quan Thuế. Xây dựng và nâng cấp hạ tầng và ứng dụng CNTT và tổ chức triển khai mở rộng dần từ năm 2019 đến 2020.