Sự thay đổi chính sách thuế và góc nhìn của các doanh nghiệp
Trong những năm qua, cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chính sách thuế đã được cải cách, đổi mới mạnh mẽ, được cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Những đổi mới này tiếp tục được duy trì và thực hiện trong thời gian tới nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đổi mới mạnh mẽ về chính sách thuế
Trong vài năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài chứng kiến sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách thuế bằng những kết quả thiết thực được ghi nhận. Tại Diễn đàn, đánh giá về quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giai đoạn gần đây, chính sách, pháp luật thuế có những thay đổi mạnh mẽ nhằm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Một loạt văn bản tháo gỡ các vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính ban hành.
Điển hình như, Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư về thuế, Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế…
Những thay đổi quan trọng như bãi bỏ quy định khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại... của doanh nghiệp, bãi bỏ quy định phải nộp bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra hoặc mua vào khi lập hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, sửa đổi quy định để doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý, cuối năm quyết toán… góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quản lý thuế, cũng có sự đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiền chậm nộp thuế giảm xuống chỉ còn 0,03%/ngày từ 01/7/2016. Cụ thể, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.
Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo quy định này từ 01/7/2016. Đồng thời, chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong hạn không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.
Bên cạnh đó, theo cam kết hội nhập, Việt Nam cũng đã thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế trên nhiều lĩnh vực. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống sẽ có mức thuế 40% từ 1/7/2016 đến hết năm 2017 và về mức 35% từ năm 2018. Còn dòng xe có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến dưới 2.000 cm3, từ 1/7/2017 sẽ có mức thuế 45% và giảm còn 40% từ năm 2018…
Góc nhìn của doanh nghiệp
Những nỗ lực cải cách này đang tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp. Điểm đáng chú ý về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2016, trong 300 thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, có tới 118 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Tính đến hết năm 2016, hệ thống khai thuế qua mạng và dịch vụ nộp thuế điện tử đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đã có 566.662 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng, đạt 99,81% trên tổng số 567.768 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên 35,8 triệu hồ sơ. Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại.
Báo cáo nghiên cứu độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế của ngành Thuế trong năm 2016. Cụ thể, về tiếp cận thông tin lĩnh vực thuế, báo cáo cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thông tin từ trang thông tin cơ quan thuế, các cuộc đối thoại do cơ quan thuế tổ chức… đều đạt từ 80-90%. Về hỗ trợ giải đáp các vướng mắc thuế, kết quả điều tra cho thấy, tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan thuế đều khá hài lòng với tỷ lệ đạt từ 89-94%...
Trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã chủ động rà soát, nghiên cứu và tham khảo các đánh giá của một số tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế) về thời gian kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam để xác định số giờ kê khai nộp thuế chênh lệch giữa Việt Nam với bình quân 6 nước ASEAN ở từng khâu (về tần suất khai, nộp thuế; hồ sơ; nội dung khai thuế; phương thức khai; nộp thuế...). Trên cơ sở đó, đã đề xuất nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian và thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, ngành Thuế cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết này, từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nổi bật nhất là kết quả xếp hạng Chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam, theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017 là 167/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016.
Những cải cách của cơ quan thuế trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện ở kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 là 71% và năm 2016 là 75% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và nỗ lực trên, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế cũng còn một số tồn tại, hạn chế, một số giải pháp còn chậm phát huy tác dụng. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan thuế cần phải nỗ lực hơn nữa để công cuộc cải cách đạt hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế…
Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhóm nhiệm vụ như: Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; Công tác hoàn thuế; Về thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế đối với người nộp thuế theo phương thức quản lý rủi ro; Về kế toán doanh nghiệp và kê khai thuế; Đơn giản hóa thủ tục và thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro đối với việc quyết toán tuế đối với doanh nghiệp; Về quản lý nợ thuế; Ứng dụng công nghệ thông tin…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm số giờ thực hiện nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Tài liệu tham khảo:
1. Khảo sát các doanh nghiệp V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 10/2014;
2. Nguồn KPMG, số liệu năm 2014;
3. Các văn bản về thuế: Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế TNCN…