Định hướng cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 - một thành phần của Chiến lược tài chính đến năm 2030. Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 xác định rõ quan điểm, mục tiêu cũng như các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo.
Quan điểm, mục tiêu chủ đạo trong chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
Việc xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 được gắn với những quan điểm chủ đạo sau:
Một là, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; là một bộ phận của Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan.
Hai là, phát triển hệ thống KBNN hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước.
Ba là, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Bốn là, lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức của KBNN để tạo động lực phát triển KBNN đồng bộ, toàn diện.
Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.
Gắn với mục tiêu tổng quát nêu trên là 05 mục tiêu cụ thể, bao gồm:
- Đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
- Phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 - 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công.
- Đến năm 2025, kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 01-02 ngày.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - NSNN phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, thời gian lập và trình báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước hàng năm giảm từ 6 - 12 tháng so với năm 2020.
- Trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.
Giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu
Các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 như sau:
Một là, cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước của KBNN.
Đối với việc tập trung nguồn thu của NSNN, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và thực hiện liên thông dữ liệu số về các khoản thu NSNN giữa KBNN và cơ quan thuế, hải quan, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trên cơ sở thống nhất cấu trúc thông tin trao đổi theo mã định danh đối với từng khoản thu; xây dựng cơ sở dữ liệu thu NSNN cho toàn bộ các khoản thu NSNN; triển khai các dịch vụ số về thu NSNN, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp, theo dõi thông tin nộp NSNN trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi và giảm thiểu chi phí tổ chức thu; mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu NSNN.
Đối với công tác kiểm soát chi NSNN, đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế; Thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN; thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN; Đổi mới phương thức kiểm soát chi NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương, đi đối với việc kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng.
Đối với công tác huy động vốn cho NSNN, thực hiện phát hành và quản lý danh mục trái phiếu Chính phủ chủ động, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu của chiến lược, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Điều hành lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với nguyên tắc thị trường, định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đa dạng các sản phẩm trái phiếu chính phủ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; hình thành các mã trái phiếu Chính phủ chuẩn với quy mô đủ lớn để thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư dài hạn.
Đối với công tác quản lý ngân quỹ nhà nước, cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hoàn thiện phương pháp dự báo luồng tiền và nguồn thông tin đầu vào, từng bước cải thiện chất lượng dự báo và thực hiện dự báo luồng tiền theo ngày. Mở rộng phạm vi đầu tư, đi vay ngân quỹ nhà nước; thực hiện giao dịch đầu tư, đi vay ngân quỹ nhà nước theo nguyên tắc thị trường, giảm dần số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng ngân quỹ nhà nước. Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa. Thiết lập khung quản lý rủi ro hiện đại, đảm bảo các rủi ro trong quản lý ngân quỹ nhà nước được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro.
Đối với công tác tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, từng bước thống nhất nguyên tắc kế toán trong khu vực Nhà nước; trong đó, ưu tiên thống nhất hệ thống tổ hợp tài khoản kế toán, đáp ứng yêu cầu tổng hợp thông tin, báo cáo của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. Mở rộng phạm vi tổng kế toán nhà nước theo lộ trình triển khai kế toán dồn tích tại các đơn vị kế toán, đảm bảo bao quát được toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước, tài sản tài chính, tài sản phi tài chính và nghĩa vụ nợ của Nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở liên thông và thu thập dữ liệu kế toán tại tất cả các đơn vị kế toán nhà nước, cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều theo từng cấp độ tổng hợp thông tin về NSNN và tài chính nhà nước; đồng thời, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về tài chính quốc gia. Hoàn thiện chế độ, quy trình lập, tổng hợp báo cáo thu, chi, quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước trên cơ sở triển khai Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số, phù hợp với lộ trình triển khai chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam, đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch của báo cáo và từng bước rút ngắn thời gian lập báo cáo.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số.
Xây dựng và triển khai kiến trúc công nghệ thông tin của KBNN phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử; trong đó, Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan. Số hóa các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc và các hệ thống liên quan thành Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa KBNN. Ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.
Ba là, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.
Tiếp tục rà soát để sắp xếp, thu gọn đầu mối KBNN cấp huyện; nghiên cứu thí điểm từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện) theo lộ trình phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, việc phân cấp quản lý nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đảm bảo hoạt động của KBNN và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với KBNN được thuận lợi. Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KBNN theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt, nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ và các định hướng cải cách đến năm 2030, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN tăng cường sử dụng các nguồn lực bên ngoài và thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ; Phát triển đội ngũ lãnh đạo KBNN các cấp, đội ngũ công chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tại trung ương có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của hệ thống KBNN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0; Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KBNN tại từng cấp, từng đơn vị, phù hợp với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và đổi mới phương thức quản lý; Cải thiện môi trường làm việc và chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện và thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và khơi dậy tinh thần cống hiến trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
Bốn là, chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc.
KBNN tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước trên cơ sở chuyển đổi phương thức quản lý hành chính truyền thống sang phương thức vừa quản lý, vừa phục vụ và cung cấp dịch vụ, bảo đảm quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng phục vụ; nghiên cứu, phát triển các dịch vụ kho bạc mới đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.
Năm là, hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ.
KBNN xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra chuyên ngành trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; xây dựng quy chế và thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN; Tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính - ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách và các địa phương.
Sáu là, các nhiệm vụ, giải pháp khác.
KBNN hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của KBNN phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo có đủ nguồn kinh phí để thực hiện cải cách, hiện đại hóa KBNN; Phát triển và đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế để tiếp cận các công nghệ quản lý hiện đại và tranh thủ các nguồn lực quốc tế, phục vụ cho việc triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030; Tuyên truyền, phổ biến tới các cấp, ngành, các đơn vị và từng cá nhân công chức, viên chức, người lao động thuộc KBNN về ý nghĩa, vai trò, nội dung và tầm quan trọng của quá trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên, Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 cho thấy nhiều điểm phát triển đột phá so với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Tựu chung, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, nhu cầu nguồn lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội lớn, đòi hỏi ngành Tài chính, trong đó có hệ thống KBNN, phải đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Trước tình hình đó, Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho ngành Tài chính nói chung và KBNN nói riêng để tiếp tục hiện đại hóa hệ thống KBNN, nâng cao chất lượng quản lý quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và đóng góp vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo các chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn;
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030;
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Thông tin tác giả:
* Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2022