Doanh nghiệp khỏe, ngân hàng mới mạnh
Theo ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khó khăn của người dân, doanh nghiệp tác động trực tiếp đến sức khỏe tài chính của ngân hàng. Năng lực tài chính của doanh nghiệp và người dân tốt thì ngân hàng mới có nhiều thuận lợi trong hoạt động tín dụng.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu
Chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, ngành Ngân hàng năm nay sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là rủi ro tín dụng.
Số liệu từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 đạt 2,06%, trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 5%. So sánh tỷ lệ này cho thấy, mức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang chững lại, dự báo nguy cơ suy giảm kinh tế diễn ra.
Theo ông Lê Thanh Tùng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang thu hẹp đơn hàng sản xuất, xuất khẩu trong khi chi phí vốn vẫn tăng cao. Số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản đang tăng dần lên. Bản thân người dân cũng sụt giảm thu nhập hơn, ảnh hưởng đến năng lực tài chính.
“Khó khăn của người dân, doanh nghiệp tác động trực tiếp đến sức khỏe tài chính của ngân hàng. Doanh nghiệp, người dân khó thì chúng tôi cũng khó”, đại diện VietinBank chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là minh chứng rõ nhất cho thấy những khó khăn của các ngân hàng giai đoạn đầu năm.
Nhìn lại năm 2022, rủi ro của ngân hàng là thanh khoản, lãi suất, biến động tỷ giá, biến động thị trường hàng hóa và có thể là uy tín trước áp lực của thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm.
Bước sang năm 2023, ngành Ngân hàng phải đối mặt với rủi ro trọng yếu nhất là tín dụng khi nguy cơ nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng không cao, ngoài ra, còn có rủi ro về an ninh các phòng giao dịch, như tình trạng trộm cướp phát sinh, tấn công an ninh mạng, rủi ro nội bộ ngân hàng…
Doanh nghiệp gặp khó, chưa trả được nợ, ngân hàng phải chuyển nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, thoái lãi dự thu. Với đặc thù ngân hàng là nơi cung ứng vốn lớn của nền kinh tế, thể hiện qua tỷ lệ tín dụng trên GDP (Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao tín dụng/GDP cao nhất thế giới khoảng 120%), thu nhập từ hoạt động cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng.
Do vậy, khi nợ suy giảm, kinh tế có dấu hiệu suy giảm thì các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, như vậy, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Kỳ vọng cứu cánh doanh nghiệp và ngân hàng
Trong các tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, bước đầu tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro địa chính trị, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế mở như Việt Nam.
Nhằm ứng phó với các biến động khó lường, hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, đẩy nhanh đầu tư công, giãn hoãn nộp thuế, giảm thuế, triểu khai những chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, gói tín dụng hỗ trợ 120.000 tỷ đồng… Qua đó, doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung tránh được nguy cơ đứt gãy dòng vốn, phục hồi khả năng hấp thụ vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, giúp thực hiện 3 trụ cột nhiệm vụ kinh tế quan trọng.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và nhiều Bộ, ngành đã có những giải pháp phù hợp và kịp thời. Nếu không có những giải pháp này, tôi e là, nền kinh tế sẽ có rất nhiều khó khăn, hệ lụy”, ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, các hoạt động ngân hàng, NHNN đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, đủ cung ứng cho nền kinh tế. Các quy định giảm lãi suất điều hành, qua đó giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân. Qua đó, triển vọng nền kinh tế sẽ được cải thiện hơn từ cuối quý III và quý IV năm nay.
“Thông tư số 02/2023/TT-NHNN không chỉ giúp cho doanh nghiệp mà còn giúp cho cả hệ thống ngân hàng, giúp cho chúng tôi giãn được cái thời hạn trích lập dự phòng, giúp cho quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục được tốt hơn. Tất nhiên, doanh nghiệp phục hồi được thì ngân hàng cũng mới có thể hoạt động kinh doanh tốt được, vì đây là mối quan hệ cộng hưởng có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Lê Thanh Tùng nói.