Doanh nghiệp thành công khi áp dụng Hệ thống ISO 9000
Là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý (HTQL) chất lượng nhằm đảm bảo khả năng cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng và luật định một cách ổn định và thường xuyên, đồng thời giải quyết các rủi ro và cơ hội kết hợp với bối cảnh và mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp (DN), ISO 9000 được áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, DN.
Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 được biết đến ở Việt Nam từ năm 1989 và đến nay đã được phổ biến khá rộng trên cả nước. Năm 1994, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thành lập trung tâm đào tạo chuyên về giới thiệu các hiêủ biết về ISO 9000, về phương pháp áp dụng tiêu chuẩn này vào các DN Việt Nam.
Từ đó đến nay, rất nhiều DN Việt Nam đa áp dụng và áp dụng thành công hệ thống này và đã được cấp chứng nhận. Các DN được chứng nhận ISO 9000 bao gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau như: DN quốc doanh, xí nghiệp liên doanh, công ty cổ phần, DN tư nhân.
Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành tiêu chuẩn ISO 9001 lần đầu tiên năm 1987, tới nay, ISO 9001 đã qua các thời kỳ sửa đổi, bổ sung vào các năm 1994, 2000, 2008 và cuối cùng là năm 2015 với phiên bản ISO 9001:2015.
Bên cạnh đó, nhằm đưa ra tiêu chuẩn HTQL chất lượng phù hợp với đặc thù của một số ngành, Tổ chức ISO và một số hiệp hội chuyên ngành đã ban hành một số tiêu chuẩn về HTQL chất lượng cho một số chuyên ngành, như ISO/TS 16949 (Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành ô tô và phụ tùng liên quan); ISO 13485 (Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành trang thiết bị y tế); ISO/TS 29001 (Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí); TL 9001 (Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành viễn thông)...
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được sử dụng cho các mục đích chứng nhận theo yêu cầu của khách hàng, cơ quan quản lý hoặc đơn thuần là nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động của tổ chức, DN.
Đồng thời, ISO 9001:2015 đưa ra các chuẩn mực để xây dựng HTQL chất lượng một cách khoa học để kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa sai lỗi, sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chất lượng thỏa mãn các yêu cầu và mong đợi của khách hàng một cách ổn định.
Việc thực hiện có hiệu lực HTQL chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2015 giúp DN đạt được các lợi ích sau đây: Xây dựng được các quy trình chuẩn để thực hiện và kiểm soát công việc; phòng ngừa sai lỗi, giảm thiểu công việc làm lại, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức; tạo nền tảng vững chắc để xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp; Nâng cao uy tín, hình ảnh của tổ chức, DN...
Tại Công ty giầy Thượng Đình - một DNNN được thành lập từ năm 1957, trước khi áp dụng ISO 9000, năm 1993, Công ty đã áp dụng biện pháp "tự quản lý chất lượng" đến từng người lao động, gắn với quy chế khen thưởng chất lượng hàng tháng. Để có được nhiều sản phẩm mới, bền đẹp, phuc vụ cho người tiêu dùng, Công ty này cũng vận động tập thể phát động phong trào phát huy sáng kiến, xây dựng đề tài khoa học có hiệu quả...
Tuy đạt được một số thành tích nhất định, nhưng vẫn cũng bộc lộ một số nhược điểm như: chất lượng chưa ổn định; việc quản lý chưa thành một hệ thống; khách hàng cũng chưa hài lòng. Sau khi công ty áp dụng ISO 9000, Ban lãnh đạo nhận thấy rất có hiệu quả và rất phù hợp với tình hình thực tiễn ở Công ty. Bắt đầu từ năm 1996, Công ty đã thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập và áp dụng ISO 9000.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty, hệ thống này được hình thành ở Công ty giầy Thượng Đình trước hết bởi sự quyết tâm cam kết của Lãnh đạo công ty về chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng và được cụ thể hoá bằng các văn bản, thủ tục, hướng dẫn, biểu mẫu và hồ sơ chất lượng.
Sau thời gian áp dụng có hiệu quả, ngày 1/3/1999, Công ty Giầy Thượng Đình trở thành một trong những DN sản xuất giầy đầu tiên của Việt Nam được hai tổ chức PSB và Quacert cấp chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9000.
Sau khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, mọi hoạt động của Công ty Giầy Thượng Đình đều tiến triển, khoa học, mang lại năng suất và hiệu quả công việc cao, tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước từ 15% đến 20%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận hàng năm đều tăng; đời sống cán bộ, công nhân thực sự ổn định và gắn bó với nhà máy. Công ty cũng mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu...
Còn tại Tổng công ty Dệt may Việt Nam, đến năm 2002, các thành viên chủ lực của Tổng công ty đã đưa ISO 9000 vào đời sống kinh doanh và sản xuất. Đến nay, nếu không có sự áp dụng này, ngành Dệt may Việt Nam khó có thể tạo được niềm tin với bạn hàng quốc tế về chất lượng sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam.