Giải bài toán nguồn lực tài chính để hiện thực mục tiêu giảm thải carbon


Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện một thách thức kép là giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050, đồng thời đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Tăng trưởng kinh tế dài hạn, có khả năng chống chịu và giảm phát thải đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.

Việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ là động cơ lâu dài cho vấn đề việc làm, đồng thời là cách để giải quyết ô nhiễm không khí.
Việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ là động cơ lâu dài cho vấn đề việc làm, đồng thời là cách để giải quyết ô nhiễm không khí.

Theo Báo cáo của Nhóm Công tác Môi trường tại VBF 2023, để đặt tham vọng của đất nước vào viễn cảnh đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang cố gắng thực hiện trong hai mươi năm điều mà Hàn Quốc đã mất hơn 40 năm để làm... nhưng không có sự trợ giúp của nhiên liệu hóa thạch và công nghệ sử dụng nhiều carbon.

Bất chấp những thách thức dường như không thể vượt qua, đặc biệt là khi đi kèm với tác động bất ổn tiềm tàng của biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, chính phủ Việt Nam sẽ cần đảm bảo quá trình giảm thải carbon (và chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung) vẫn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của quốc gia.

Tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26) vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam xuống mức ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bản chất của mục tiêu này được nâng cao bởi cam kết của Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình tiên tiến vào năm 2045. Với số lượng và chất lượng đầu tư của khu vực tư nhân đang tìm kiếm cơ hội trong việc giảm thải carbon của nền kinh tế Việt Nam, những mục tiêu này có thể được điều chỉnh phù hợp.

Tại hội nghị thượng đỉnh COP26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh  Chính đã cam kết đến năm 2050, quốc gia sẽ trung hoà carbon. Kể từ thời điểm đó, cam kết này được tích hợp vào tất cả các kế hoạch cấp bộ có liên quan.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, các công nghệ mới đã giúp các nước châu Á đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đồng thời mở đường cho việc giảm phát thải carbon.

Ví dụ, các công ty đã có thể giảm lượng phát thải carbon bằng cách áp dụng chữ ký số hoặc chuyển sang ứng dụng điện toán đám mây. Các công nghệ mới cho phép sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và chính sách của Chính phủ có thể hướng tới khuyến khích phát triển các công cụ và dịch vụ hỗ trợ các tổ chức thiết kế và đổi mới bền vững.

“Đầu tư vào năng lượng tái tạo để góp phần thúc đẩy những nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả trong các hoạt động cũng sẽ là chìa khóa giúp chúng ta đạt được những kết quả bền vững hơn cho Việt Nam”, bà Hà Nguyễn, Đồng Trưởng Nhóm Kinh tế số VBF cho biết.

Cũng theo bà Hà, việc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương phát triển các chính sách phù hợp cho quá trình chuyển đổi song song giữa số hóa và giảm phát thải carbon sẽ là yêu cầu cấp thiết để định hình tương lai kinh tế bền vững cho đất nước.

Đồng quan điểm, ông John Rockhold, Chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trở nên cấp thiết bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra.

Việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ là động cơ lâu dài cho vấn đề việc làm, đồng thời là cách để giải quyết ô nhiễm không khí. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gia hạn đóng góp do quốc gia tự quyết định đối với Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2020, cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài.

Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF nhấn mạnh, để thực hiện các cam kết hạn chế phát thải CO2 của Việt Nam, có thể dựa vào thị trường vốn như một công cụ để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển bền vững và định giá việc phát thải carbon.

Ông Dominic Scriven kiến nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, thu hút vốn đầu tư cho phát triển xanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm ban hành các văn bản, quy định về tín dụng xanh theo hướng cụ thể và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi cung cấp tín dụng xanh.

“Đề nghị cho phép phát triển các giải pháp tài trợ thương mại bền vững mới của ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng các phương thức hoạt động bền vững hơn trong toàn bộ hệ sinh thái của họ cũng như xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, khuyến khích khách hàng cải thiện tính minh bạch trong công bố thông tin, báo cáo và cách sử dụng các nguồn tài nguyên, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)”, ông Dominic Scriven đề xuất.

Còn theo, Nhóm Công tác Môi trường VBF, tăng trưởng kinh tế dài hạn, có khả năng chống chịu và giảm phát thải đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.

“Sẽ ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn nếu Việt Nam có thể huy động tài chính dự án thông qua các ngân hàng nước ngoài, cơ quan tín dụng xuất khẩu, quỹ hưu trí, quỹ cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư khu vực nhà nước. Hiện tại, vốn ngoại đang sẵn sàng chờ để vào Việt Nam chứ chưa hiện diện ở các dự án hiện hữu”, Nhóm Công tác Môi trường VBF cho biết.

Cụ thể, thị trường tài chính trong nước đã cung cấp gần như toàn bộ vốn cho phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam trong vài năm qua. Yếu tố then chốt để nhận được tài trợ cho các dự án này là khả năng tận dụng các mối quan hệ ngân hàng hiện có và tình hình tài sản, tài chính như được thể hiện qua bảng cân đối kế toán của công ty.

Một số doanh nghiệp hiện đang có tình hình tài chính rất căng thẳng. Do đó, tài chính bảng cân đối kế toán có rất ít khả năng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho quá trình chuyển đổi ngày càng tăng của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng Việt Nam sẽ cần khoảng 254 tỷ USD để thích ứng và 114 tỷ USD để giảm phát thải cácbon.

“Việt Nam nên nhắm đến nguồn lực của khu vực tài chính nước ngoài, những lĩnh vực sử dụng nợ không truy đòi cho phép tăng trưởng cao hơn do không phụ thuộc vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Việc giảm thiểu và loại bỏ các rủi ro pháp lý, đồng thời phân bổ các rủi ro khác một cách hiệu quả sẽ giúp cho việc tài trợ trở nên khả thi với chi phí thấp hơn”, Nhóm Công tác Môi trường VBF góp ý.

Theo Quỳnh Lê/thitruogtaichinhtiente.vn