Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mới đạt 9,12% kế hoạch
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài, sáng ngày 01/7/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn chủ trì và phát biểu tại Hội nghị.
Cùng dự tại điểm cầu trụ sở cơ quan Bộ Tài chính có ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính); đại diện lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo 59 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giải ngân vốn vay nước ngoài chậm do không có khối lượng hoàn thành
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng là nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai, đặc biệt năm 2022, Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn với tổng số tiền khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn kế hoạch năm 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...
“Có thể nói, đây là nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm để thúc đẩy giải ngân vốn, trong đó có vốn ODA”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với một số bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân, trong đó có các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, kết quả giải ngân còn chậm so với kế hoạch đề ra, cũng như so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt 9,12% so với kế hoạch được giao, trong đó các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%.
Chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân vốn vay nước ngoài, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, về nguyên nhân khách quan, năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay nước ngoài nói riêng. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng leo thang, tình hình nhập nguyên vật liệu cho các dự án ODA gặp khó khăn. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân chủ quan, trong đó phải kể đến khâu tổ chức thực hiện.
“Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau nhưng có địa phương, bộ ngành lại có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có bộ, ngành địa phương giải phân thấp, đặc biệt có những đơn vị chưa giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA”, Thứ trưởng lưu ý.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 và nêu các nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này.
Qua nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo về kết quả tình hình triển khai giải ngân nguồn vốn này, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là không có khối lượng để thanh toán và nếu có khối lượng thì việc hoàn thiện hồ sơ để thanh toán cũng chậm nằm ở địa phương. Quan trọng nhất là ở khâu tổ chức thực thi. Từ hạn chế này, tôi đề nghị các bộ, các địa phương cố gắng tập trung làm rõ trách nhiệm, cũng như các nguyên nhân chủ quan, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm”, ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.
Bên cạnh nguyên nhân trên, ông Trương Hùng Long cũng nêu những vướng mắc của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để có khối lượng hoàn thành để giải ngân
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, Bộ Tài chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các Bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức thực hiện để có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục kiểm soát chi, cũng như thủ tục giải ngân.
“Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn vay nước ngoài. Chúng tôi hi vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài để phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhận định.