Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW

Phạm Thị Kim Anh - Trường Chính trị Quảng Bình

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, CNH-HĐH đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết.

 Sau hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
Sau hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Đặt vấn đề

CNH, HĐH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong quá trình đổi mới đất nước, CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực...

Thực tế đã chỉ ra rằng, đại đa số các nước trên thế giới muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp, nước phát triển, đạt được mức thu nhập cao đều tiến hành quá trình CNH, HĐH đất nước. Tại Việt Nam, vấn đề CNH, HĐH đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định: “Ðẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian qua

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực và của thế giới, thuộc nhóm ASEAN-4 và nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao với vị trí thứ 36 trên thế giới vào năm 2019.

Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên. Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, với mức bình quân 10,4%/năm. Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da dày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường quốc tế; một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện đã dần được hình thành, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.

Bên cạnh đó, công nghiệp là ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao (tăng gần 2 lần cả về quy mô và tỷ trọng trong 10 năm qua), đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 60% vốn đầu tư vào các ngành và khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) với một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn công nghệ toàn cầu đã tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành và góp phần hình thành nên các trung tâm công nghiệp mới của Đất nước.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Đặc biệt trong năm 2022, dù vẫn còn chịu tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến thị trường toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao, song ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành công mới. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hơn 53,2 tỷ USD, tăng 30% so năm 2021. Trong khi đó, đóng góp của ngành Dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học và công nghệ cao...

Tồn tại, hạn chế

Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương (2022), thực tiễn thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ như: tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ sản xuất trong công nghiệp chậm được đổi mới dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao...

Đặc biệt, ngành Công nghiệp phát triển thiếu bền vững. Theo Bộ Công Thương, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp của Việt Nam còn chưa cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng (hóa chất, cơ khí, thép...) và công nghiệp hỗ trợ dẫn đến phụ thuộc chủ yếu vào bên ngoài. Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn hiện nay do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước dẫn đến rất phụ thuộc vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt là các biến động về giá. Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%...

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng còn nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Đô thị hoá chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH, HĐH. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập…

Một số giải pháp

Vấn đề CNH, HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian, đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của CNH, HĐH. Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đặc biệt, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, ngày 17/11/2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tiếp tục đưa ra nhiều mục tiêu nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Bảng 1).

Bảng 1: Một số mục tiêu về Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030

STT

Nội dung

Chỉ tiêu

1

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân

Khoảng 7%/năm

2

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành

Khoảng 7.500 USD

3

Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế

Trên 50%

4

Tỷ trọng công nghiệp

Trên 40% GDP

5

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo

Khoảng 30% GDP

6

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo

Trên 45%

7

Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người

Trên 2.000 USD

8

Tỷ trọng kinh tế số đạt

Khoảng 30% GDP

9

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội

Dưới 20%

10

Tỷ lệ đô thị hóa

Trên 50%

Nguồn: Nghị quyết số 29-NQ/TW

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Nghị quyết này, trong đó, tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Theo đó, cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Ðảng có liên quan đến CNH, HĐH. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...; tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh. Xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số...

Hai là, đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững

Cụ thể, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho CNH, HĐH theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; ưu tiên nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; phát triển thị trường chứng khoán bền vững, trở thành kênh huy động quan trọng vốn trung và dài hạn cho thực hiện CNH, HĐH. Ðổi mới chính sách ưu đãi về thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới trọng tâm ưu tiên thúc đẩy phát triển hệ sinh thái và chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ hiện đại. Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; thực hiện các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển mạnh tài chính xanh, tín dụng xanh...

Ba là, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo

Theo đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; nâng cấp, hiện đại hóa và phát triển sàn giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu. Hình thành các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung... Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao như: Du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý...

Bốn là, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Ðảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình CNH, HĐH như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng... Xây dựng tiêu chí để phân cấp, phân quyền thu hút FDI giữa Trung ương và địa phương; coi trọng chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Kết luận

CNH, HĐH đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp này đóng góp vào sự phát triển của Đất nước trong bối cảnh mới, cần tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó, cần ưu tiên tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững...

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. Bộ Công Thương (2021), Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030;
  3. Thùy Dung (2022), CNH, HĐH đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Báo Lao động điện tử;
  4. Hiền Hòa (2022), Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết đầu tiên về CNH, HĐH đất nước. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW - Ảnh 1
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 6/2023