Giao nhiệm vụ thu nợ đến từng cán bộ thuế
Các cục thuế phải phân công, giao nhiệm vụ, chịu trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế tới từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng và cán bộ thuế. Đây là yêu cầu của Tổng cục Thuế đối với cục thuế các tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm.
Theo văn bản của Tổng cục Thuế, tình hình nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày của 63 cục thuế đang có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu ngân sách chiếm 5,6%, cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (số nợ không quá 5% tổng thu ngân sách).
Để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) và ngân sách trung ương năm 2017 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, giảm số tiền nợ thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2017, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phân công, giao nhiệm vụ và đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế tới từng lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng và từng cán bộ thuế theo quy định. Kịp thời thu hồi số tiền nợ đọng vào NSNN và không để phát sinh nợ mới.
Các cục thuế cũng phải có biện pháp đôn đốc, cưỡng chế (nếu cần thiết) cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp cưỡng chế, tiến độ thu nợ hàng ngày.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, vào thứ 2 hàng tuần, các cục thuế phải báo cáo tổng hợp tiến độ thu hồi nợ thuế và báo cáo kết quả thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế cũng như công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế về Tổng cục Thuế.
“Các đồng chí cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc thu hồi các khoản nợ thuế, đảm bảo thu đạt tối thiểu số tiền thuế nợ được giao”, ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tình hình kinh tế những tháng đầu năm vẫn còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng chỉ đạt 5,73% so với mục tiêu đặt ra (6,7%), số người nộp thuế ngưng, nghỉ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn còn lớn; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản thì đã thế chấp tại ngân hàng dẫn đến chưa nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN.
Một nguyên nhân khác khiến nợ thuế có chiều hướng tăng, đó là một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên.
Một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, thông báo nợ thuế không gửi đến được với người nộp thuế thường bị trả lại cơ quan thuế, gây khó khăn cho công tác đôn đốc nộp thuế