Khả quan thu đòi nợ thuế
Nửa đầu năm 2017, 63 Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 22.076 tỷ đồng, đạt 46,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Triển khai công tác thu hồi nợ đọng thuế, từ đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2017 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Nhờ đó, số nợ thu được đã khả quan hơn năm trước.
Tổng số nợ thuế của toàn Ngành tính đến thời điểm 31/5/2017 là 75.534 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng (1,9%) so với thời điểm 31/12/2016, trong đó tiền thuế nợ (có khả năng thu) đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.207 tỷ đồng; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 27.327 tỷ đồng.
Một trong những điểm sáng của công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua là TP. Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, xác định vấn đề nợ thuế vẫn là một trong những thách thức lớn nên ngay trong tháng 1/2017, đơn vị đã giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết tới từng Phòng, Chi cục Thuế, Đội thuế và từng cán bộ thuế.
Cùng với đó là chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình, đặc biệt tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn và các khoản nợ có khả năng thu. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội còn tích cực rà soát, xác định và phân loại chính xác số nợ theo từng tiêu chí đúng quy định; thường xuyên phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp nợ thuế (đặc biệt là nợ dưới 90 ngày) để tập trung đôn đốc kịp thời; tiếp tục phối hợp tốt với các ngành liên quan trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế quan.
Đặc biệt, đơn vị đã kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang điện tử của cơ quan Thuế danh sách các đơn vị nợ thuế, cố tình trây ỳ.
Kết quả 6 tháng đầu năm của Cục Thuế Hà Nội, số lượng quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tăng 11,5% so với cùng kỳ; cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng tăng 85,5% so với cùng kỳ. Nhờ đó, số nợ thu được 6 tháng đầu năm là 6.445 tỷ đồng. Thực hiện công khai 6 đợt danh sách của 792 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số tiền là 2.793 tỷ đồng. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp nêu trên đã giúp số nợ thuế trong quản lý của Cục Thuế Hà Nội giảm 8% so với số nợ khả năng thu tại thời điểm 31/12/2016.
Tuy công tác thu đòi nợ thuế có khả quan, song số nợ thuế vẫn có xu hướng tăng là nỗi “băn khoăn” chung của nhiều đơn vị thuế địa phương. Ông Nguyễn Văn Phong - Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh cho rằng, Bộ Tài chính cần kiến nghị cho phép khoanh các khoản nợ, chậm nộp của các trường hợp doanh nghiệp (DN) phá sản, DN bỏ trốn,...
Tương tự, đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất sửa đổi tiêu chí phân loại nợ làm sao phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ có thu vì có một số khoản đưa vào nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó có thể thu được. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính xem xét quy trình quản lý nợ đối với đối tượng hộ kinh doanh; tính tiền chậm nộp với nợ có thu; điều chỉnh tiền chậm nộp trên hệ thống,... để thuận lợi hơn cho hoạt động nghiệp vụ.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, “gánh nặng” nợ khó thu của ngành Thuế vẫn chưa được giải quyết vì chưa có cơ sở pháp lý. Tuy thực tế “DN đã chết”, nhiều trường hợp cơ quan Thuế đã chuyển sang cơ quan chức năng khác để khởi tố nhưng số nợ thì vẫn còn đó, thậm chí số tiền lãi do nợ, lãi phạt chậm nộp vẫn phải tính cộng thêm hàng ngày.
Do vậy, việc cần làm ngay là phải chuẩn bị xây dựng Luật Quản lý Thuế mới thay thế Luật năm 2005 ngay từ những tháng cuối năm 2017 để đưa ra trình vào năm 2018. “Muốn giải quyết 27 nghìn tỷ đồng của DN đã “chết” rồi thì phải có Luật. Ngành Thuế cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để triển khai bên cạnh việc nỗ lực thu đòi các khoản có thể thu, quyết tâm không để phát sinh gia tăng nợ mới, làm sao cho tổng nợ dưới 5% thực thu vào ngân sách nhà nước” - Thứ trưởng lưu ý.
Năm 2017, ngành Thuế phấn đấu đôn đốc thu hồi nợ thuế, thu đạt tối thiểu 97% số nợ thuế trên/dưới 90 ngày năm 2016 chuyển sang; đảm bảo số nợ đến 31/12/2017 không quá 5% tổng thu; thu ít nhất 20% tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày