Lâm Đồng: Thu nội địa 5 tháng tăng hơn 40% so với cùng kỳ
Theo báo cáo nhanh về tình hình thu ngân sách của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, đến 31/5 thu ngân sách do cục thuế quản lý đạt hơn 2.516 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Nhiều khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt dự toán được giao. Nhiều khoản thu tăng cao
Trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Trọng Thoan - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính đến 31/5, tổng thu ngân sách do cục thuế thực hiện đạt 2.516,8 tỷ đồng, đạt 47% dự toán được giao, tăng 43% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ thuế, phí là gần 1.595 tỷ đồng; thu từ đất là 335 tỷ đồng; thu từ xổ số kiến thiết là gần 300 tỷ đồng…
Cũng theo ông Thoan, nếu tính tổng thu ngân sách do cục thuế quản lý 5 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, thì tất cả 12/12 địa phương đều có số thu tăng trưởng cao, trong đó có 6/12 địa phương có số thu đạt 45% dự toán trở lên như: Lạc Dương 58%, Lâm Hà 54%, Đơn Dương 53%, Đà Lạt 51%, Đam Rông 45%, cá biệt có Đạ Huoai đạt tới 82% dự toán năm…
Riêng thu từ thuế, phí có 11/12 địa phương có số thu tăng từ 30 đến hơn 200% so với cùng kỳ, cụ thể như: Đạ Huoai tăng 233%, Lạc Dương tăng 57%, Bảo Lâm và Lâm Hà tăng 47%, Đà Lạt tăng 35%...; thu từ nhà đất cũng đạt tiến độ khá tốt, có 7/12 đơn vị thu đạt 45% dự toán trở lên. Nếu so với cùng kỳ, có 10/12 đơn vị có số thu tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những khoản thu tăng cao, vẫn còn một số khoản thu, sắc thuế chưa đạt dự toán được giao, như thu từ khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) địa phương mới đạt 31% dự toán, thu từ ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán… Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu thu 6 tháng đầu năm, cũng như nhiệm vụ thu ngân sách nhà nhà nước (NSNN) năm 2017, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết đơn vị đã có nhiều giải pháp cụ thể từ nay đến cuối năm.
“Chúng tôi đã yêu cầu các chi cục thuế địa phương phải tiến hành rà soát các trường hợp kê khai thấp, doanh số thuế khoán thấp, hộ miễn thuế; xác định cụ thể từng nguồn thu; báo cáo HĐND huyện, thành phố để có chỉ đạo đối với các ban ngành tăng cường quản lý thu ngân sách, tăng cường kiểm tra chống thất thu NSNN…”, ông Thoan cho biết.
Đẩy mạnh kiểm tra sau hoàn thuế để chống thất thu
Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tăng cường quản lý công tác thu, về phía cơ quan thuế cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp để quản lý thu một cách hiệu quả.
Theo đó, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tăng cường quản lý đối với các nguồn thu mới phát sinh, không bỏ sót người nộp thuế; kiểm tra chặt các nội dung khai thuế, so sánh doanh thu, chi phí, thuế phải nộp so với kỳ trước, đặc biệt là kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm cục thuế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Theo đó, lãnh đạo cục thuế đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra quyết toán thuế, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT, kiểm tra chặt chẽ những trường hợp khấu trừ, hoàn thuế đúng chế độ quy định, nhất là doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn, nhiều kỳ trong năm.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải rút ngắn thời gian kiểm tra, thanh tra sau quyết toán thuế; xử lý dứt điểm số thuế truy thu và phạt; hướng dẫn những biện pháp khắc phục, giảm nhẹ tình tiết và động viên doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản truy thu và phạt vào NSNN. Trường hợp các doanh nghiệp qua kiểm tra, nhắc nhở, vi phạm nhiều lần và chậm khắc phục thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Thoan cho biết.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chống thất thu NSNN, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị phải tập trung quyết liệt các biện pháp xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lý thuế, các quy trình quản lý nợ thuế, quy trình cưỡng chế nợ thuế, đẩy mạnh thu hồi nợ thuế dưới 90 ngày, hạn chế nợ đọng mới phát sinh, đảm bảo số nợ thuế ở dưới mức 2,5% trên tổng thu nội đia.
“Với các hộ kinh doanh cố tình dây dưa nợ thuế thì hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo và tham mưu với UBND huyện, thành phố để thành lập đoàn liên ngành tiến hành đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Thoan nói.