Hải quan Lạng Sơn: Tăng cường hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại khu vực cửa khẩu, biên giới

PV. (t/h)

Cửa khẩu Tân Thanh là một trong những cửa khẩu kinh tế chính của tỉnh Lạng Sơn.
Cửa khẩu Tân Thanh là một trong những cửa khẩu kinh tế chính của tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), 07 cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương) và các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn cùng nhiều địa hình phức tạp, hiểm trở… đang là trở ngại rất lớn cho chống buôn lậu của lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ hải quan và biên phòng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Để tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu, mở rộng hợp tác về du lịch, thúc đẩy triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh… chính quyền tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã có những thống nhất về mở rộng, phát triển cửa khẩu hai bên. Đặc biệt, vào tháng 5/2024, chính quyền hai nước đã tổ chức Lễ công bố mở cửa chính thức đường chuyên dụng (khu vực mốc 1088/2-1089-1088/2-1089), lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091), Cốc Nam - Lũng Nghịu (khu vực mốc 1104-1105) dành cho người, phương tiện, hàng hóa lưu thông.

 

Tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có chiều dài hơn 231 km với 474 cột mốc. Đa phần các mốc quốc giới đều nằm ở những địa bàn có địa hình hiểm trở, đường đi lại khó khăn. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng một số đường bê tông lên kiểm tra cột mốc đã giúp cho công tác tuần tra đỡ vất vả.

Bên cạnh những thuận lợi từ việc mở cửa chính thức đường chuyên dụng, lối thông quan, dự báo thời gian tới sẽ phát sinh các hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; Đồng thời, việc người dân được qua lại biên giới bằng giấy thông hành cá nhân sẽ gia tăng lượng cư dân biên giới tại cửa khẩu, dẫn đến nguy cơ phát sinh các hoạt động mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới…

Thời gian gần đây, tại khu vực biên giới các huyện Cao Lộc, Tràng Định, Lộc Bình có thời điểm nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các sản phẩm động vật, gia cầm giống. Các đối tượng lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, lợi dụng giờ nghỉ trưa hoặc đêm khuya để vận chuyển hàng nhỏ lẻ qua các đường mòn, lối mở về tập kết tại nhà dân trong khu vực cửa khẩu, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Thủ đoạn mới bài bản hơn của các đối tượng là theo dõi động thái của các lượng lượng chức năng quản lý địa bàn và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động khi bị phát hiện, hơn nữa các đối tượng còn manh động hơn, chủ động lôi kéo, tụ tập số lượng lớn người dân giành giật lại hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ ở những địa điểm gần khu dân cư.

Lực lượng kiểm soát Hải quan - Biên phòng Chi Ma phối hợp kiểm tra tại các đường mòn, lối mở.
Lực lượng kiểm soát Hải quan - Biên phòng Chi Ma phối hợp kiểm tra tại các đường mòn, lối mở.

Đặc biệt, theo lực lượng chức năng cửa khẩu, khu vực đối diện các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma... phía Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng hóa có quy mô lớn với chủ trương hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa để khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tham quan du lịch và mua sắm hàng hóa do Trung Quốc sản xuất (thường đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá rẻ), trong đó có cả hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…

Điều đó cũng đem lại những khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng biên giới Lạng Sơn trong việc kiểm soát, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin

Nắm chắc thực tế trên địa bàn, thời gian qua, Cục Hải quan Lạng Sơn, Đội Kiểm soát Hải quan Lạng Sơn, các Chi cục Hải quan cửa khẩu và các đồn biên phòng đã tích cực tổ chức tuần tra, quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu; triển khai các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, đưa đón, môi giới cho người xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tại các khu vực cửa khẩu, hai lực lượng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát xuất nhập cảnh đối với hành khách, hành lý mang theo tại khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh; Phối hợp thực hiện kiểm soát, giám sát phương tiện xuất nhập cảnh theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu, khu vực ngoài phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo bà Hà Thị Kim Dung - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, những khu vực có diễn biến phức tạp đều được hai lực lượng thống nhất, nhận định, đánh giá và tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự, buôn lậu trên địa bàn được giao phụ trách.

Trong 5 năm qua, hai lực lượng (hải quan và biên phòng) đã thường xuyên trao đổi, duy trì thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, tài liệu và tình hình.

Việc trao đổi thông tin ở các cấp được thực hiện đa dạng, đa chiều, nhiều hình thức, nhất là khi có những vụ việc cần có sự thống nhất, trực tiếp gặp gỡ để bàn bạc, thống nhất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu, cặp chợ, lối mở biên giới. Từ năm 2019 đến nay, hai lực lượng đã phối hợp trao đổi trên 2.600 thông tin.

Trung tá Nguyễn Đức Bính - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh sự phối hợp giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và Chi cục Hải quan Chi Ma luôn được triển khai nhịp nhàng chặt chẽ.

Các nội dung trọng tâm là chia sẻ các thông tin có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu; âm mưu phương thức thủ đoạn của hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật; trao đổi kết quả trong triển khai thực hiện công tác cũng như những khó khăn, vướng mắc của mỗi bên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, qua đó giải quyết cơ bản những vấn đề nảy sinh trên biên giới, cửa khẩu liên quan đến hai lực lượng.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, từ năm 2019 đến nay, các đơn vị thuộc hai lực lượng đã phối hợp tuần tra, kiểm soát trên 3.000 lượt; trong đó lực lượng hải quan chủ trì tuần tra, kiểm soát hơn 1.400 lượt; lực lượng biên phòng chủ trì tuần tra, kiểm soát hơn 1.600 lượt.

Hai bên đã phối hợp phát hiện bắt giữ, xử lý 165 vụ liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hơn 17.400 lượt cho người dân, hành khách xuất nhập cảnh, lái xe của hai bên qua lại cửa khẩu./.