Hàng ngoại đổ bộ, hàng Việt sẽ thất thế?
Chỉ còn vài ngày nữa, nhiều loại hàng hóa từ ASEAN sẽ ồ ạt vào Việt Nam mà không phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với điều này hay chấp nhận đóng cửa, rút lui khỏi thị trường?
Theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2018, 669 dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống 0%, bao gồm ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô – xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới…
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, năm 2018 là thời điểm bước ngoặt hết sức quan trọng thực thi các cam kết quốc tế về hội nhập của Việt Nam với ASEAN. Theo đó, Việt Nam cắt giảm 98% biểu thuế trong ASEAN, trừ xăng dầu.
Thâm nhập thị trường đúng luật
Đi vào câu chuyện ngành mía đường, ATIGA được ký kết từ năm 2009, tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp trong ngành thừa nhận vẫn chưa chuẩn bị cho việc đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế suất 5%.
Đến nay, hàng chục nhà máy đường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì ATIGA, sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với đường trong khu vực, cụ thể là Thái Lan.
Trong khi đó, với ngành ô tô, thời gian gần đây, các hãng trong nước đã tiến hành giảm giá chưa từng có với nhiều dòng xe, tuy nhiên, so với giá xe trong khu vực vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Một trong những nguyên nhân là vì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam quá thấp. Thuế 0%, chắc chắn xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia không bỏ qua thời cơ đổ bộ vào Việt Nam.
Việc thoái vốn Sabeco mới đây, chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu Vietnam Beverage không được nắm giữ tới 49% bởi Beer Co.Ltd, công ty bia do Thailand Beverage (ThaiBev) sở hữu 100% có trụ sở tại Hồng Kông. ThaiBev gắn liền với tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng thương vụ này nói lên việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hội nhập kinh tế đang giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam hơn rất nhiều.
“Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phiếu, đầu tư và nắm giữ doanh nghiệp của chúng ta theo đúng mong muốn. Họ đã đến Việt Nam một cách đúng luật”, ông Thịnh nói.
Mối lo hàng hóa Việt càng trở nên thất thế trên “sân nhà” hơn khi thị phần các kênh bán lẻ hiện đại đang do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chi phối.
Đến hết năm 2016, theo ước tính,doanh nghiệp FDI đã chiếm khoảng 50% kênh bán hàng hiện đại. Trên thị trường, tuy chỉ có khoảng 100/700 điểm bán trong phạm vi toàn quốc, song mỗi điểm bán của họ có doanh số gấp 7 – 10 lần điểm bán hàng của doanh nghiệp Việt.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ cửa hàng tiện lợi, 15% thị phần siêu thị mini, 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến.
Như vậy, cạnh tranh bán lẻ không chỉ diễn ra ở mô hình siêu thị và trung tâm thương mại, mà còn ở các hình thức bán hàng khác. Nhiều vụ thôn tính mạng lưới thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) liên tục diễn ra trong 2 – 3 năm qua như các thương vụ của nhà đầu tư Thái Lan đối với Metro, BigC, Nguyễn Kim. Với lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt, trong đó có yếu tố mạng lưới phân phối, hầu hết những điểm đắc địa đã về tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Nhà nước cần nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của hệ thống phân phối nội địa, nếu mất hệ thống phân phối tức là mất cả nền sản xuất quốc gia.
Doanh nghiệp phải chủ động
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital, kể lại câu chuyện cách đây 3 năm, Tập đoàn đầu tư vào một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng hóa và tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong năm 2017, cổ phiếu doanh nghiệp này đã mất 50% giá trị vì mặt hàng kinh doanh sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan vào đầu năm 2018, nghĩa là hàng hóa của doanh nghiệp bị mất lợi thế cạnh tranh.
“Tổng giám đốc doanh nghiệp có nói với chúng tôi là khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan, 80% doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa này trong 5 năm tới sẽ đóng cửa”, bà Loan chia sẻ.
Bà Loan cho biết, doanh nghiệp này đã nhận thấy nguy cơ trên, do vậy đã đầu tư và đưa vào hoạt động một nhà máy có công suất và quy mô lớn đi kèm thay đổi hệ thống quản trị.
“Sau khi phân tích giá thành sản xuất của doanh nghiệp, Vinacapital khẳng định sản phẩm của họ hoàn toàn có thể cạnh tranh khi thị trường Việt Nam mở cửa với các nước trong khu vực. Do vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp”, bà Loan nói và cho rằng nếu chịu đổi mới mình, thay đổi công nghệ quy trình, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn trong cuộc chơi hội nhập.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng hàng Việt muốn vào siêu thị ngoại phải hiểu tiêu chuẩn mà họ đưa ra.
“Có những tiêu chuẩn phân biệt đối xử như họ ưu tiên hàng của họ hơn, doanh nghiệp Việt phải hiểu và yêu cầu sửa đổi chuẩn mực đó. Có làm được như vậy, chúng ta mới đảm bảo đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại mà không vướng rào cản”, ông Cung nói.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Phú cho rằng Nhà nước cần đầu tư hợp lý và hiệu quả cơ sở hạ tầng cho thương mại, giảm các chi phí sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp bán lẻ. Giúp họ tiếp cận vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, để phát triển chuỗi phân phối cả ở thành thị lẫn nông thôn.