Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế
(Tài chính) Trong số những chương trình hành động ý nghĩa, thiết thực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP. Hà Nội, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng, từng bước khẳng định chất lượng hàng hoá thương hiệu Việt.
Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai CVĐ được tổ chức ngày 17/7. Nhân dịp này, 58 tập thể, 22 cá nhân được biểu dương, khen thưởng vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong triển khai, thực hiện CVĐ. Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã tới dự.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội, Trưởng BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố nhấn mạnh: CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Ðảng. 5 năm triển khai thực hiện đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức sống, sức lan toả mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là tạo được lòng tin với người tiêu dùng.
Từ năm 2010 đến năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã tạm ứng tổng cộng 1.550 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước với lãi suất bằng không cho 57 doanh nghiệp để dự trữ các nhóm hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá trên địa bàn thành phố như: Gạo trắng thường, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến... đã tạo nên thương hiệu kép. Đó là việc người tiêu dùng ngày càng ưa thích và có niềm tin vào hàng Việt, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước có sự chuyển mình mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Trên địa bàn Hà Nội, các hệ thống siêu thị Big C hiện có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị Saigon Co.opmart chiếm 95%, hệ thống siêu thị Vinatex Mart 100% là hàng sản xuất trong nước. Tại các khu vực nông thôn, hiện có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm gần 90% là hàng Việt. Dòng chữ "Made in Viet Nam” xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội đã cho thấy nhu cầu dùng hàng Việt của người dân đang tăng lên.
Đối với các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua, những phiên chợ này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bà con nhân dân. Các phiên chợ đưa hàng Việt về các vùng nông thôn sẽ tiếp tục được tổ chức để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm, phát triển kênh phân phối hàng hoá tại địa phương.
Chủ động, sáng tạo thực hiện cuộc vận động
Nhìn lại những thành quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện CVĐ, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước hưởng ứng và triển khai tích cực hiệu quả CVĐ. Trong 5 năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách chủ động, sáng tạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị gắn với sự phát triển kinh tế của mỗi đơn vị, địa phương. Nội dung của CVĐ đã được BCĐ triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng tới các đơn vị thành viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn theo 4 nhóm và giải pháp cơ bản.
Thông qua triển khai CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô. CVĐ còn là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường nội địa, ngăn chặn suy thoái kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất của đơn vị mình.
Thông qua triển khai CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô. CVĐ còn là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường nội địa, ngăn chặn suy thoái kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất của đơn vị mình.
Ông Đào Văn Bình đề nghị, trong 5 năm tới thành phố cần tập trung làm tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm như: Cấp ủy Đảng, chính quyền, BCĐ các cấp, các đơn vị có kế hoạch triển khai cụ thể Chỉ thị 26. Các doanh nghiệp cần tích cực hưởng ứng CVĐ và đổi mới công nghệ sản xuất hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gương mẫu giám sát chặt chẽ việc mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động. Đặc biệt cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong CVĐ.