Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi:

Hành vi bị cấm trong hoạt động thủy sản

PV.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), trong dự thảo có đề xuất rõ nhiều hành vi cấm trong hoạt động thủy sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự thảo đề xuất những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản bao gồm gồm:

Hủy hoại rạn đá ngầm, rạn san hô, bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác;

Phá huỷ, cản trở đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản ở sông, hồ, đầm, phá, eo, vịnh;

Khai thác các loài thuỷ sản thuộc Danh mục cấm, cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép;

Khai thác thuỷ sản nhỏ hơn kích cỡ quy định, trừ trường hợp được phép khai thác làm giống thủy sản.

Bên cạnh đó, Dự thảo cúng đề xuất: Cấm lấn chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; Vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn;

Thả, phóng sinh loài thủy sản ngoại lai vào vùng nước tự nhiên; Sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, điện và phương pháp khai thác có tính huỷ diệt để khai thác thủy sản;

Sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác;

Thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân khác đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác ra dấu hiệu đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.

Các hành vi như: Xả thải nước, chất thải từ cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, cơ sở nuôi, trồng thuỷ sản, cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến thuỷ sản mà chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào môi trường xung quanh;

Đưa tạp chất vào nguyên liệu, sản phẩm thuỷ sản;

Mua bán, chế biến, vận chuyển, sử dụng loài thuỷ sản thuộc Danh mục cấm khai thác;

Thuỷ sản có dư lượng chất độc vượt quá giới hạn cho phép;

Thuỷ sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…cũng được đưa vào Dự thảo Luật đưa vào danh mục những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản.

Ngoài ra, Dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân khi tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.

Khai thác thuỷ sản ở vùng biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác phải bảo đảm không vượt quá sản lượng cho phép khai thác, không làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản; Phải tuân theo quy định về mùa vụ, thời hạn, vùng, chủng loại và kích cỡ thuỷ sản được khai thác; Chống thất thoát sau thu hoạch; phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản phải đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động; sử dụng ngư cụ, phương tiện khai thác phù hợp.

Giấy phép khai thác thủy sản được cấp cho tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trừ trường hợp khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc nghề không có tên trong Danh mục nghề khai thác thủy sản phải có giấy phép. Thời hạn của giấy phép là 12 tháng.