Hiện đại hóa các quy trình, lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính


Một trong những dấu ấn cải cách hành chính của ngành Tài chính thời gian qua là công tác hiện đại hóa quy trình làm việc trong các lĩnh vực quản lý của Ngành. Qua đó, góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí của mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 985 thủ tục. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 985 thủ tục. Nguồn: internet

Hiện đại hóa quy trình giải quyết công việc

Thực hiện hiện đại hóa hành chính trong toàn Ngành, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý văn bản điều hành thông qua việc triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành (eDocTC) theo mô hình tập trung thống nhất tới các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Đến nay, chương trình eDocTC đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý văn bản và điều hành của các cấp lãnh đạo; thực hiện quét 100% văn bản đến thành tệp điện tử, áp dụng thay thế gửi văn bản giấy bằng văn bản điện tử có ký số; hoàn thành tích hợp chữ ký số cá nhân ký số văn bản điện tử trên phần mềm edocTC và hiện nay đang triển khai thí điểm tại 01 đơn vị thuộc Bộ; nâng cấp và triển khai đến cấp chuyên viên tại 24 Vụ/Cục/đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ với số lượng tài khoản sử dụng là 1.397 tài khoản.

Cùng với việc triển khai chương trình eDocTC, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả Trục liên thông văn bản ngành Tài chính (eDocHub), hoàn thành tích hợp liên thông với Trục trao đổi, gửi, nhận văn bản quốc gia. Theo đó, đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Thực hiện gửi, nhận văn bản với 95 đơn vị và phản hồi trạng thái tự động từ hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ Tài chính lên Trục liên thông văn bản quốc gia đủ 06/06 trạng thái xử lý văn bản theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Tài chính đã thực hiện gửi, nhận văn bản với 95 đơn vị và phản hồi trạng thái tự động từ hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ Tài chính lên Trục liên thông văn bản quốc gia đủ 06/06 trạng thái xử lý văn bản.

Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã cung cấp 985 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, trong đó có 126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 308 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 314 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ứng dụng công nghệ thông tin, các quy trình giải quyết công việc đã được Bộ Tài chính xây dựng và áp dụng khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật và của ngành Tài chính, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ công chức và các cơ quan, doanh nghiệp.

Nhờ đó, chất lượng hiệu quả của các hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ được nâng cao, không còn tình trạng tồn đọng giải quyết hồ sơ, khắc phục hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót không đáng có. Thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được rút ngắn hơn, công khai, minh bạch và luôn đúng quy định của pháp luật.

Dấu ấn hiện đại hóa thuế, hải quan

Thuế, hải quan là hai lĩnh vực đi đầu trong cải cách hành chính ngành Tài chính. Trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế các cấp đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, triển khai dịch vụ nộp thuế, hoàn thuế điện tử, xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực.

Trong đó, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,98% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng dịch vụ; Phối hợp với 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với 98,99% trên tống số doanh nghiệp đăng ký tham gia; 94,73% tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử chỉ tính từ ngày 01/01/2019 đến 31/05/2019.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng; triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử; triển khai thử nghiệm hệ thống truyền nhận dữ liệu thông tin lệ phí trước bạ điện tử cho 28/29 điểm đăng ký xe mô tô và 05/05 điểm đăng ký xe ô tô tại địa bàn các quận, huyện thuộc TP. Hà Nội.

Trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019; phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không; triển khai mở rộng hệ thống quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không trong thời gian tới.

99,98% số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế điện tử, 98,99% tổng số doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, 94,73% số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử...

Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 05 nước ASEAN. Tính đến hết ngày 27/5/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 05 nước trên là 80.708 C/O.

Hiện nay, lực lượng hải quan đang hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước về hải quan như: Phần mềm hỗ trợ hoạt động đổi mới quản lý nguồn nhân lực; Nâng cấp hệ thống kế toán thuế xuất nhập khẩu, hệ thống miễn giảm hoàn thuế, hệ thống thông tin tình báo, hệ thống kiểm tra sau thông quan để kết nối, xử lý thông tin với hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống xử lý tập trung ngành Hải quan...

Nhờ những nỗ lực cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, các chỉ số xếp hạng về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới... của Việt Nam không ngừng được cải thiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.