Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần phải từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từng bước ngang bằng thế giới.
Theo đại diện Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau khi Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt, lực lượng các doanh nghiệp (DN), cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm, tới 180 thị trường trên thế giới. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... với số lượng còn rất hạn chế.
Bộ TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng tốt đối với một số mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc, ví dụ mục tiêu 2.3 về tăng năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp và mục tiêu 2.4 về bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác, dần dần cải tạo chất lượng đất đai.
Về tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ, tại Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 4 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Nhóm TCVN này về cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục công bố 4 TCVN đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù (TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ), là các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, trong đó, gạo và tôm là các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm quốc gia.
Các TCVN được công bố đã giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hiểu và áp dụng đúng các tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ; từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế và thuận lợi cho hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Được biết, theo kế hoạch xây dựng TCVN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang thực hiện biên soạn 5 TCVN về một số sản phẩm hữu cơ đặc thù, dự kiến công bố vào đầu năm 2023, nhằm bổ khuyết cho các tiêu chuẩn đã công bố.
Theo đánh giá, phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó có vấn đề năng lực của các tổ chức chứng nhận. Việc quản lý hoạt động chứng nhận và các tổ chức chứng nhận của cơ quan chức năng hiện nay cũng gặp không ít thách thức
Bên cạnh đó, trên thị trường, ngành chức năng hiện chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia chưa thực sự có uy tín và được chấp nhận trên thị trường thế giới.
Do đó, một trong những giải pháp lớn là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cấp tiêu chuẩn chứng nhận của Việt Nam. Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từng bước ngang bằng thế giới.