Hướng tới 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dữ liệu điện tử

Minh Hà

Ngành Hải quan đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan thực hiện hải quan số; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp;...

Đến năm 2025, phấn đấu 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa.
Đến năm 2025, phấn đấu 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1855/QĐ-BTC ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025”, trong đó Kế hoạch đề ra các mục tiêu và giải pháp để xây dựng hải quan số, hải quan thông minh và cải cách hiện hóa hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ hải quan

Kế hoạch nêu rõ chỉ tiêu chuyển đổi số ngành Hải quan, xây dựng hải quan số hướng đến hải quan thông minh đến năm 2025. Ngành Hải quan hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan thực hiện hải quan số; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể khác như: 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Triển khai công cụ làm việc, cộng tác trên môi trường số đạt 70%; Triển khai công cụ báo cáo tự động theo yêu cầu đạt 70%; Tỷ lệ nền tảng điện toán đám mây được triển khai đạt 70%...

Ngoài các chỉ tiêu trên, Kế hoạch đề ra chỉ tiêu về cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ hải quan, trong đó phấn đấu tỷ lệ tờ khai công chức hải quan phải kiểm tra hồ sơ không quá 33%, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 4,5%; 50% hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng container có rủi ro cao được giám sát bằng seal định vị điện tử và hoặc hệ thống giám sát GPS của phương tiện vận tải;

100% hình ảnh giám sát bằng camera tại các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% các cửa khẩu đường bộ quốc tế triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, ngành Hải quan hoàn thành nội luật hóa toàn bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan; ký kết tối thiểu 02 điều ước quốc tế về hải quan với các nước đối tác, đặc biệt là các nước đối tác lớn, có tầm quan trọng chiến lược; 100% các nội dung liên quan đến mức độ tuân thủ pháp luật được công khai, tra cứu trên hệ thống; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hải quan...

9 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, đề xuất và xây dựng Dự án Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan năm 2014 đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh.

Đánh giá toàn diện, tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước về hải quan; quy trình nghiệp vụ trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước về hải quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, triển khai hải quan số theo định hướng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới hải quan thông minh.

Hai là, tiếp tục rà soát toàn diện quy trình nghiệp vụ, thực hiện tái thiết kế và xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ hải quan đơn giản, hài hòa, chuẩn hóa và đẩy mạnh tự động hóa các quy trình thủ tục theo hướng đồng bộ, liên thông, tích hợp.

Hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan theo hướng tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trang thiết bị hiện đại trong quá trình thực hiện phục vụ chuyển đổi số ngành Hải quan, thực hiện mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.

Ba là, triển khai đồng bộ và đầy đủ việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động quản lý rủi ro trong chuyển đổi số hải quan, thực hiện hải quan số, hướng tới hải quan thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường tính tuân thủ của người khai hải quan thông qua việc khuyến khích người khai hải quan tự nguyện tuân thủ pháp luật và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá tuân thủ. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phân luồng kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát Hải quan thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ kiểm soát Hải quan theo hướng đơn giản, hiệu quả đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Chủ động trủ chì, phối hợp giữa các lực lượng trong, ngoài Ngành, giữa cơ quan hải quan với các lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Năm là, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm tra sau thông quan theo mô hình mới gắn với tiến độ sửa đổi, thay thế Luật Hải quan bảo đảm thẩm quyền, phạm vi, biện pháp kiểm tra, chế tài xử lý các hành vi vi phạm được đầy đủ, thời hạn kiểm tra rõ ràng làm cơ sở để thực thi trên thực tế theo chức năng, nhiệm vụ.

Sáu là, chú trọng việc áp dụng chính sách quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu thống nhất với hàng hóa tại khâu nội địa thông qua việc cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và cam kết quốc tế...

Bảy là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan theo nguyên tắc tinh gọn, không tăng số lượng đầu mối đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hải quan để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh và các yêu cầu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực về các kiến thức liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu đáp ứng yêu cầu triển khai công tác tập trung quản lý hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Tám là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan thông qua thuê dịch vụ công nghệ thông tin để thực hiện hải quan số.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại thông qua việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Chín là, đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng việc triển khai áp dụng quản lý hải quan trên nền tảng ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan theo mô hình hải quan số, hải quan thông minh.