Kế toán môi trường dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghiệp, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi doanh nghiệp nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp sử dụng để ra quyết định. Hơn nữa, kế toán môi trường nhằm mục tiêu đạt tới sự phát triển bền vững, duy trì quan hệ tốt đẹp tới cộng đồng, nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường. Bài viết sẽ khái quát một số nội dung và vai trò của kế toán môi trường trong doanh nghiệp, đồng thời, đề xuất những vấn đề phát triển kế toán môi trường trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Kế toán môi trường và vai trò của kế toán môi trường tại doanh nghiệp
Kế toán môi trường
Kế toán môi trường (KTMT) có thể được hiểu là một phần của công tác kế toán doanh nghiệp (DN), có nhiệm vụ thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế, môi trường của doanh nghiệp (DN) phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh. Kế toán tài chính về môi trường cung cấp thông tin và báo cáo tài chính về các giao dịch, sự kiện liên quan tới môi trường của DN có tác động hoặc có khả năng tác động tới kết quả hoạt động của DN đó; đối tượng sử dụng báo cáo là các đối tượng bên ngoài DN.
Gắn với góc độ kế toán quản trị DN, năm 1998, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đưa ra khái niệm về kế toán quản trị môi trường là: “Việc quản trị hiệu quả hoạt động kinh tế và hiệu quả môi trường thông qua quá trình triển khai và phát triển các hệ thống và phương pháp kế toán phù hợp gắn với môi trường. Quá trình này có thể bao gồm hoạt động báo cáo và kiểm toán tại một số đơn vị. Kế toán quản trị môi trường thường gắn với đánh giá chi phí vòng đời sản phẩm, kế toán xác định chi phí sản xuất sản phẩm, xác định lợi nhuận và lập kế hoạch chiến lược cho quản trị môi trường”.
Năm 2001, Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNDSD) nhấn mạnh vai trò của kế toán quản trị môi trường trong việc cung cấp thông tin phục vụ ra quyết định mang tính nội bộ DN. Do vậy, UNDSD đã định nghĩa kế toán quản trị môi trường là công việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng 2 loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: (1) Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải), (2) Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Khái niệm này đã được hơn 30 quốc gia thừa nhận, đồng thời được Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) sử dụng trong tài liệu hướng dẫn về Kế toán quản trị môi trường vào năm 2005.
Như vậy, KTMT là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định. Hơn nữa, KTMT nhằm mục tiêu đạt tới sự phát triển bền vững, duy trì quan hệ tốt đẹp tới cộng đồng, nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường. Các phương pháp của KTMT cho phép DN nhận dạng chi phí môi trường, nhận diện các khoản thu nhập, chi phí và cung cấp các cách thức hợp lý nhất cho đo lường các chỉ tiêu (tiền tệ và hiện vật) và hỗ trợ cho các báo cáo kết quả về môi trường.
Thu nhập môi trường là kết quả thu được từ quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến môi trường trong DN tạo ra, như: thu nhập từ trợ giá tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs), thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm còn giá trị sử dụng tạo ra từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các thông tin liên quan đến thu nhập môi trường về tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích, cải thiện chất lượng môi trường sẽ giúp cho nhà đầu tư và các bên liên quan có cái nhìn tổng quát và đánh giá được trách nhiệm xã hội của một DN.
Chi phí môi trường có nhiều loại với các đặc điểm khác nhau, DN có thể áp dụng các phương pháp phổ biến trên thế giới như: Phương pháp hạch toán chi phí dòng vật liệu (MFCA), phương pháp xác định chi phí môi trường dựa trên cơ sở hoạt động (ABC). Theo IFAC, chi phí môi trường được chia thành 6 loại sau: Chi phí vật liệu có trong đầu ra của sản phẩm; Chi phí vật liệu không có trong sản phẩm đầu ra; Chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, phát thải; Chi phí phòng chống ô nhiễm và chi phí quản lý môi trường khác; Chi phí nghiên cứu và phát triển; Chi phí môi trường ít tồn tại hữu hình.
Vai trò của kế toán môi trường
Việc nghiên cứu, vận dụng và hoàn thiện KTMT trong DN đem đến một số lợi ích sau:
Một là, góp phần tiết kiệm, giảm thiểu chi phí chung cho toàn DN.
Một trong số những chức năng của KTMT là nhận diện, quản trị, nghiên cứu và cắt giảm chi phí liên quan đến môi trường trong DN. Ví dụ, KTMT thực hiện nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn DN. Trên thực tế, DN khi chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu kết hợp sản xuất với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai.
Hai là, nâng cao lợi thế cạnh tranh của DN.
Đối với những DN đi đầu trong chiến lược và kinh doanh các sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường luôn tạo nên sự khác biệt lớn trong nhận thức của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và mỗi công dân toàn cầu đều ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường. Như vậy, thực hành KTMT giúp DN xây dựng hình ảnh và uy tín đối với khách hàng, thị trường, qua đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Ba là, củng cố và làm hài lòng các mối quan hệ.
Các cơ quan nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp thực hiện tốt những trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và môi trường sẽ nhận được nhiều hỗ trợ và ưu đãi từ những cơ quan nhà nước cũng như tổ chức môi trường.
Những thách thức khi thực hiện kế toán môi trường
Thực tế cho thấy, việc triển khai các chương trình thực hành KTMT tại DN, về khía cạnh nào đó, nếu kém hiệu quả, sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các bên liên quan cũng như các giải pháp quản lý của nhà quản trị DN. Nói cách khác, những vấn đề này liên quan đến đồng thời kế toán tài chính và kế toán quản trị môi trường, vì kế toán tài chính môi trường chủ yếu phục vụ cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, gắn với lợi ích của nhiều bên liên quan; còn kế toán quản trị môi trường tập trung cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định của các nhà quản trị. Các thách thức cơ bản gắn với thông tin KTMT bao gồm:
- Tính thiếu chắc chắn về mức độ phù hợp của các giải pháp đo lường chi phí, hệ số, chỉ tiêu về môi trường.
- Tính sẵn có của thông tin KTMT phục vụ quá trình ra quyết định bị hạn chế.
- Các thông tin được công bố và các giải pháp KTMT có thể bị bóp méo và công bố sai lệch so với thực tế. Ví dụ, phía DN ngoài việc toàn quyền quyết định liệu có nên đo lường và cung cấp thông tin hay không (nếu như không có quy định cụ thể của pháp luật) sẽ được lựa chọn phương pháp, mô hình đánh giá và có khả năng chi phối tới kết quả được công bố. Tương tự như vậy, hiệu quả môi trường có thể được khuyến khích đánh giá thấp hơn khi DN lo ngại về phản ứng bất lợi của thị trường chứng khoán.
- Thực hành kế toán quản trị môi trường làm tăng chi phí vận hành, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của DN.
- Hệ thống thông tin quản trị chi phí môi trường nếu kém hiệu quả và thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến sai lệch trong khâu thu nhận và phân tích thông tin về chi phí môi trường.
Từ những phân tích trên, cho thấy, để khắc phục những vẫn đề về thực hành KTMT, các DN cần đổi mới hoặc nâng cấp hạ tầng công nghệ kiểm soát chi phí và các hoạt động trong điều kiện chuyển đổi số và ứng dụng cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Qua đó, quy trình thu nhận và cung cấp thông tin về kế toán quản trị môi trường sẽ hiệu quả và có độ tin cậy cao hơn.
Đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong kế toán môi trường
Một trong những thách thức các DN phải đối mặt khi triển khai kế toán quản trị môi trường là tính kịp thời, đầy đủ và chất lượng của thông tin kế toán. Mặt khác, thông tin về vấn đề môi trường có thể bị “thao túng” do những áp lực về lợi ích kinh tế của các DN. Do vậy, việc nghiên cứu và đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin phục vụ chuyển đổi số trong DN sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng của kế toán quản trị môi trường (Roger Burritt và Katherine Christ, 2016). Ngoài ra, xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển hệ thống thông tin tại DN gắn với CMCN 4.0 kết hợp với hệ thống kế toán quản trị môi trường là bước đi giúp DN tiết kiệm khoản chi phí đầu tư cho chuyển đổi số.
Nhiều dự án nghiên cứu trên thế giới đã được đề xuất và triển khai nhằm mục đích thiết lập chương trình chuyển đổi số và ứng dụng CMCN 4.0 trong DN, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kế toán quản trị môi trường có thể cung cấp thông tin chính xác hơn theo thời gian thực cho các đối tượng có liên quan (bao gồm các nhà quản trị DN và các đối tượng bên ngoài như nhà đầu tư, cơ quan quản lý…).
CMCN 4.0 có thể được sử dụng để cải thiện các sáng kiến về kế toán quản trị môi trường theo một số nội dung sau:
- Hệ thống thông tin đa chiều cho phép kết xuất những dữ liệu không thể lấy được trước đây: Ứng dụng CMCN 4.0 cho phép hiển thị các dữ liệu vô hình và kém chất lượng về tác động môi trường và chi phí hoạt động làm nền tảng cho các quyết định được thực hiện tự động trên máy móc thông minh.
- Nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua độ chính xác và chi tiết cao hơn cho các mục đích về môi trường, tính hiệu quả, đảm bảo dữ liệu và các mục đích ra quyết định khác.
- Cải thiện việc truyền tải dữ liệu phục vụ chức năng kiểm soát: Dữ liệu để hỗ trợ chuyển giao giữa các bộ phận khác nhau hoặc giữa các bên trong chuỗi cung ứng sẽ trong trạng thái có sẵn từ các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ truyền thông và thông tin kỹ thuật số được nối mạng.
- Nhóm chung các điều kiện khai thác và lọc dữ liệu cho tất cả các loại quyết định, các đối tượng quản trị và tất cả các đối tượng thực hiện kiểm soát: Khi ứng dụng CMCN 4.0, việc ra quyết định của con người sẽ được thông báo bởi một cơ sở dữ liệu chung có thể truy cập được bởi tất cả các nhóm liên quan, đặc biệt là các nhóm chiến lược xuyên ngành. Nếu kết nối số hóa được cung cấp bởi Internet vạn vật kết hợp với các nhà quản lý môi trường và Hệ thống thực tế ảo, các luật sư và KTMT nội bộ sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu được chia sẻ về các khía cạnh môi trường của các hoạt động trong DN. Từ đó, các nhóm có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau để sử dụng dữ liệu kế toán quản lý môi trường theo thời gian thực, đồng thời, cùng ra quyết định trên cơ sở hợp tác để các hành động đạt hiệu quả về mặt môi trường.
- Tận dụng cơ sở sản xuất, hạ tầng thông tin hiện có để hạn chế chi phí đầu tư: Chất lượng dữ liệu kế toán cho các nhà quản lý có thể được cải thiện trong môi trường sản xuất tiên tiến hiện có nhưng được số hóa dẫn đến cải thiện năng suất và hiệu quả công việc.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Tố Quyên (2019), “Kế toán môi trường và kinh nghiệm thực hành từ một số tập đoàn trên thế giới”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM236681;
- Roger Burritt and Katherine Christ (2016), Industry 4.0 and environmental accounting: a new revolution?, Asian Journal of Sustainability and Social Responsibility, December 2016, Volume 1, Issue 1, pp 23-38;
- Burritt RL, Hahn T, Schaltegger S (2002), Towards a comprehensive framework for environmental management accounting-Links between business actors and environmental management accounting tools, Aust Account Rev 12(27), 39-50;
- Deloitte (2015), Industry 4.0. Challenges and solutions for the digital transformation and use of exponential technologies;
- PwC (2016), Industry 4.0, http://www.pwc.com/gx/en/industries/industry-4.0.html Accessed 21 July 2016.