Khuôn khổ tham chiếu cho công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn
Xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp báo cáo phát triển bền vững và lồng ghép các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp. Do vậy, khuôn khổ tham chiếu cho công bố thông tin môi trường và kinh tế tuần hoàn là vấn đề được quan tâm.
Hiện nay, một số khuôn khổ báo cáo chất lượng tốt được triển khai để hướng dẫn doanh nghiệp (DN) công bố thông tin liên quan đến môi trường và kinh tế tuần hoàn (CE). Tiêu chuẩn toàn cầu tiên phong là khuôn khổ Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu G3. Một loạt các tiêu chuẩn đặc thù cho từng ngành cũng đã được xây dựng, và ngày càng có nhiều nước đang ban hành hướng dẫn cấp quốc gia trong lĩnh vực này. Có thể kể tên các khuôn khổ sau đây:
Thứ nhất, khung sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiatives-GRI) có thể coi là điểm khởi đầu hữu ích vì được sử dụng và công nhận một cách rộng rãi. Khuôn khổ này cũng đề cập tới nhiều khía cạnh hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội, với hướng dẫn kỹ thuật (quy ước) về cách thức đo lường và báo cáo các vấn đề này (www. globalreporting.org).
Thứ hai, dự án Công bố Các-bon (Carbon Disclosure Project-CDP) là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận điều hành hệ thống công bố thông tin toàn cầu cho các nhà đầu tư, công ty, thành phố, tiểu bang và khu vực để quản lý các tác động môi trường của họ.
Phương pháp tính điểm của CDP (CDP Scoring) mô tả về hoạt động và công bố về môi trường của DN, hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn và ban quản lý, đồng thời cung cấp khả năng so sánh trên thị trường. Thông qua việc báo cáo cho CDP, các DN được liệt kê trong cơ sở dữ liệu và có thể tăng cơ hội được các nhà đầu tư xếp hạng tốt hơn về phát triển bền vững. (www.cdp.net)
Thứ ba, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc là sáng kiến chính sách chiến lược dành cho DN cam kết điều chỉnh hoạt động và chiến lược của DN phù hợp với 10 nguyên tắc được công nhận toàn cầu trong lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng.
Khi tham gia Hiệp ước Toàn cầu, các DN cam kết hàng năm có Thông cáo Tiến độ (Communication on Progress - COP), đó là một văn bản công bố với các bên liên quan (nhà đầu tư, người tiêu dùng, xã hội dân sự và chính phủ) về tiến độ áp dụng 10 nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc cũng như hỗ trợ các mục tiêu diện rộng của Liên hợp quốc.
Dựa trên mẫu chuẩn, COP phải được đăng tải trên trang web của Hiệp ước Toàn cầu và được công bố rộng rãi với các bên liên quan. Thông tin được cung cấp trong COP có liên quan tới báo cáo phát triển bền vững hoặc báo cáo thường niên (www. unglobalcompact.org).
Thứ tư, Khung Phát triển bền vững của Tổ chức Tài chính quốc tế (International Finance Corporation-IFC-thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức đầu tư phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển) bao gồm Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường và Xã hội được áp dụng đối với DN được IFC đầu tư, nhằm cung cấp thông tin hướng dẫn về cách thức xác định và quản lý rủi ro và tác động về môi trường và xã hội.
Trong vòng đời đầu tư, DN phải cập nhật thông tin cho IFC và các đối tác liên quan về việc tuân thủ Tiêu chuẩn Hoạt động và mọi Kế hoạch Hành động được thỏa thuận khác, bao gồm cả thông tin về các sự kiện đáng kể. Thông tin này có thể có liên quan để được tích hợp trong báo cáo bền vững hoặc báo cáo thường niên (www.ifc.org/sustainability).
Thứ năm, Hội đồng Báo cáo Tích hợp Quốc tế (International Integrated Reporting Council-IIRC) là nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng khuôn khổ toàn cầu đối với Báo cáo Tích hợp (Integrated Report-IR).
Thông qua việc tích hợp thông tin tài chính và thông tin bền vững, DN cung cấp bức tranh toàn diện hơn và ý nghĩa hơn về mô hình và hoạt động kinh doanh của mình đối với nhà đầu tư và bên liên quan (www.theiirc.org).
Dựa trên khung IR (IIRC, 2013a), IR đã nổi lên không chỉ là một trong những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực báo cáo DN và phát triển bền vững mà còn có khả năng phù hợp tốt cho các tổ chức quan tâm đến việc trình bày thông tin liên quan đến CE một cách toàn diện (Barnabè và Nazir, 2021).
Thứ sáu, Hệ thống xếp hạng tác động đầu tư toàn cầu (GIIRS) là hệ thống dùng để đánh giá tác động môi trường xã hội (E&S) của các DN và quỹ đầu tư. Việc xếp hạng tạo điều kiện để các DN có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư có cùng định hướng dựa trên tác động của vận hành và hoạt động kinh doanh của DN đối với môi trường và xã hội.
GIIRS đưa ra chỉ tiêu xếp hạng tác động môi trường và xã hội của từng DN bao gồm xếp hạng tổng thể, và thang xếp hạng cho 15 tiểu hạng mục và các chỉ số đo hiệu quả hoạt động KPI phù hợp với ngành nghề, vị trí địa lý, quy mô và sứ mạng xã hội của DN (http://giirs.org).
Thứ bảy, BS 8001 là khuôn khổ và hướng dẫn thực tế đầu tiên dành cho các tổ chức thực hiện các nguyên tắc của CE và đã được viết theo cách có thể sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, bất kể vị trí, quy mô, lĩnh vực và loại hình. Nó sẽ hữu ích cho những người có trình độ kiến thức và hiểu biết khác nhau về CE và giúp các tổ chức suy nghĩ lại một cách tổng thể về cách quản lý tài nguyên của họ để nâng cao lợi ích tài chính, môi trường và xã hội (www.bsigroup.com).
Thứ tám, “Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững” được phối hợp xuất bản bởi IFC và UBCKNN trên cơ sở dự án hợp tác nhằm thúc đẩy công bố thông tin về môi trường và xã hội của các DN Việt Nam. Hướng dẫn lập báo cáo đưa ra qui trình và các tiêu chí cơ bản nhằm giúp các DN của Việt Nam có thể tự xây dựng Báo cáo phát triển bền vững cho DN mình (SSC&IFC, 2013, Bộ Tài chính, 2015).