Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

PV. (Tổng hợp)

Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã có văn bản giải đáp, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại Công văn số 9262/BTC-NSNN ngày 2/8/2018, Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).
Trong đó, Luật này đã quy định các nội dung về: Việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Việc giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn, trong đó Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ tập trung vào vấn đề giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Việc kiểm tra, rà soát đánh giá hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm các dự án đầu tư của doanh nghiệp) được thực hiện thông qua cơ chế quản lý tài chính và cơ chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp.

Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra theo các nội dung nêu trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền và trách nhiệm: Cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh; Yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, cảnh báo; Xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Với vai trò quản lý nhà nước nói chung, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ ngành có liên quan thực hiện giám sát theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; Trực tiếp giám sát doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng được phân công, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ.

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành nêu trên, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Thuế, Kiểm toán nhà nước... lập kế hoạch và tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước hàng năm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng, kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo quy định của Luật số 69/2014/QH13.