Kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu ngành bán lẻ hấp dẫn
Đúng như dự báo của các nhà phân tích trong những tháng trước, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp mà nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đang ngày càng chứng tỏ được sức hấp dẫn trên sàn chứng khoán, xứng đáng được lựa chọn để “chọn mặt, gửi tiền” dịp cuối năm.
Trong 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sự khả quan của ngành này còn được thể hiện qua kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu năm của các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các đơn vị đầu ngành.
Kinh doanh tích cực
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2019 của CTCP Vincom Retail (mã: VRE), công ty ghi nhận 2.208 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm từ 1.500 tỷ đồng xuống 339 tỷ đồng, nhưng doanh thu cho thuê trung tâm thương mại tăng từ 1.400 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu.
Điều này góp phần giúp lợi nhuận gộp tăng 13% đạt 1.078 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 33% đạt 901 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2019, công ty đạt 6.475 tỷ đồng doanh thu và 2.467 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 6% và 15% so với cùng kỳ.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, CTCP Thế giới Di động (mã: MWG) cho biết 9 tháng năm 2019 đạt 76.763 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 35%.
Mở đầu là một chuỗi bán điện thoại nhưng trong những năm gần đây, Thế giới Di động đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang các lĩnh vực khác vẫn còn dư địa tăng trưởng như điện máy (chuỗi Điện Máy Xanh), bách hóa (Bách Hóa Xanh), dược phẩm (nhà thuốc An Khang).
Việc thay đổi, mở rộng lĩnh vực kinh doanh đã giúp đà tăng trưởng của công ty duy trì tốt qua các năm, bất chấp ngành kinh doanh truyền thống là điện thoại đang dần bão hòa.
Tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT), tổng doanh thu trong 9 tháng qua đạt 12.427 tỷ đồng, tăng 12,7%. Trong đó, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến đạt 2.974 tỷ đồng, tăng 59,3% và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu.
Dù trong tháng 9, công ty phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng vẫn tăng nhẹ 3%, đạt 292 tỷ đồng.
Cũng nằm trong khối bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 268 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 21% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 11.679 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế là 1.021 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và liên tục “phá đỉnh” trong năm 2019, bất chấp diễn biến thị trường chung không thực sự thuận lợi.
Cổ phiếu bứt phá
Hiện, cổ phiếu MWG đang giao dịch tại mức giá 112.000 đồng/cp, tăng gần 31% so với mức 85.530 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu năm, vốn hóa thị trường đạt gần 49.6000 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 9, cổ phiếu MWG đã đạt mức giá 128.000 đồng/cp.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, mức giá hiện tại vẫn chưa phản ánh được hết giá trị thực của cổ phiếu MWG. Trong một động thái cách đây không lâu, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã bất ngờ nâng giá mục tiêu mỗi cổ phiếu MWG thêm tới 31%, lên 215.000 đồng/cp.
Cơ sở của việc nâng mạnh giá mục tiêu lần này là VCSC nâng dự báo lãi ròng các năm 2019, 2020, 2021 thêm lần lượt 5%, 12%, 15%, xuất phát từ việc tăng giả định doanh số/cửa hàng của chuỗi siêu thị mini và cập nhật mô hình định giá.
Tương tự, cổ phiếu PNJ cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao từ vùng giá 66.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên mức 83.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng gần 26% kể từ đầu năm.
Hồi giữa tháng 8, cổ phiếu PNJ đã chinh phục thành công ngưỡng 87.000 đồng/cp, nhưng sau đó đã điều chỉnh về mức giá hiện nay. Nguyên nhân có thể đến từ việc điều chỉnh kỹ thuật, một phần cũng có thể đến từ việc thị trường thiếu tích cực trong thời gian qua.
Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây đã đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu PNJ tại mức 95.988 đồng/cp vào cuối năm 2020, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi đạt 17,4%, đồng thời duy trì khuyến nghị mua và chuyển giá mục tiêu sang năm tới.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FRT từng một thời là “hàng hot” trên sàn OTC đã liên tiếp lao dốc kể từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 4/2018 tới nay. Hiện, FRT đang giao dịch tại mức 28.800 đồng/cp – vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Tuy nhiên, FPT Retail vẫn có điểm sáng là chuỗi nhà thuốc Long Châu khi thị trường thuốc tại Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp lớn nhập cuộc. Lãnh đạo công ty cho rằng ở bất cứ mảng kinh doanh nào, sau giai đoạn tăng trưởng thì sẽ đối diện với sự bão hòa, nên FPT Retail sẽ luôn “làm mới” để tăng trưởng.