Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn: Tránh tình trạng "đếm cua trong lỗ"

Theo daibieunhandan.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện quy định của Luật Đầu tư công về lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm (2016 - 2020) đang có nguy cơ không được thông qua đúng hạn do việc xác định tổng vốn đầu tư trung hạn của các Bộ, ngành, địa phương gặp lúng túng khi mà nguồn lực đầu tư còn bất định như “đếm cua trong lỗ”…

Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn

Kỳ vọng giữa khó khăn

Quy định lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trong Luật Đầu tư công ở tất cả các cấp quốc gia, Bộ, ngành Trung ương và địa phương được coi là cải cách lớn nhất trong hoạt động đầu tư công của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng quy định này sẽ khắc phục tồn tại của việc tách biệt trong quản lý chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, vốn có xu hướng đầu tư công quá mức và dàn trải, thực hiện đầu tư công không gắn kết với khả năng ngân sách; từng bước khắc phục tình trạng công tác chuẩn bị đầu tư sơ sài, kém chất lượng.

Ngoài ra, cơ chế mới sẽ bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm như những năm vừa qua. Từ đó, tăng cường sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước, thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thực tiễn thời gian qua đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, khiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể không được thông qua đúng hạn, thực hiện kém hiệu lực và hiệu quả.

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2015, các chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ, việc xác định tổng vốn đầu tư trung hạn của các Bộ, ngành và địa phương gặp khá nhiều lúng túng, vướng mắc, trước tiên là liên quan đến việc tính toán, ước lượng các nguồn vốn đầu tư công trong trung hạn.

Cụ thể, ở cấp Trung ương, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020 do các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đề xuất khoảng 3.710 nghìn tỷ đồng, gấp 19 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,2 lần khả năng cân đối vốn 5 năm tới.

Trong khi đó, giai đoạn 2016- 2020, vốn ngân sách nhà nước chỉ đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Nhu cầu vốn đầu tư mới chưa có nguồn để đáp ứng. Ở cấp địa phương, còn nhiều lúng túng giữa nhu cầu vốn rất lớn và khả năng cân đối thực tế trong khi việc ước lượng một nguồn vốn không nằm trong chủ động ngân sách, bất định chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ”.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương có nợ xây dựng cơ bản lớn, vốn ứng trước lớn và số lượng dự án dở dang nhiều như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… sẽ không có nguồn cho dự án khởi công mới cho 5 năm tới.

Cùng với đó, trong bước rà soát dự án đầu tư công, các Bộ, ngành địa phương đang gặp phải nhiều khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; số lượng dự án chuyển tiếp nhiều trong đó việc phân loại các dự án đủ hay không đủ điều kiện được đầu tư trung hạn đều khiến các địa phương khó khăn.

Chưa hết, trong bước dự kiến phân bổ vốn, các Bộ, ngành, địa phương cũng gặp khó khăn khi mà quy định sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thiếu các chỉ tiêu định lượng; yêu cầu chặt chẽ trong việc phê duyệt các dự án đầu tư mới khiến các địa phương bị động.

Tác động tới quá trình tái cơ cấu đầu tư công

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2015 của CIEM do TS Nguyễn Đình Cung chủ trì soạn thảo đã chỉ rõ những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực có thể xảy ra của kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với quá trình tái cơ cấu đầu tư công.

Về mặt tích cực, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm sẽ cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về khả năng cân đối vốn đối với các dự án đã, đang và sẽ triển khai. Trên cơ sở biết rõ tổng mức đầu tư công trung hạn, các Bộ, ngành, địa phương có thể chủ động phân bổ, sử dụng hiệu quả nhất trong 5 năm và tránh tình trạng bị động, mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách.

Mặt tích cực nữa, quy định chặt chẽ trong việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của các cấp, các ngành và địa phương về tầm quan trọng của khâu chuẩn bị đầu tư, nhất là chủ trương đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Thực tế thời gian vừa qua, tình trạng tùy tiện, duy ý trí trong đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư đã giảm thiểu rõ rệt. Cơ chế này đồng thời giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phân bổ vốn, góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đến việc xử lý nợ, và ở nhiều nơi tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đã được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh các khó khăn đã nêu, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn mà không đi kèm với các thay đổi thực chất của việc thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư công khiến cho mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư công khó thành hiện thực.

Thiếu vắng các chuẩn mực về lập chủ trương đầu tư công và các tiêu chí đánh giá chủ trương đầu tư công khiến những công đoạn này có tiềm năng trở thành một thủ tục hành chính ít ý nghĩa thực chất. Hơn nữa, quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian qua cho thấy tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách cấp trên còn rất phổ biến. Rất khó có thể tạo ra sự đột phá về tư duy, về cách làm liên quan đến quản lý đầu tư công nói chung và tái cơ cấu đầu tư công nói riêng.

Để có được bản kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 có chất lượng tốt, bảo đảm thực thi có hiệu quả, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương phải hết sức quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm, bám sát các quy định của Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản điều hành để rà soát, hoàn thiện kế hoạch; cần chủ động, tích cực, không ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, đặc biệt là cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư, từ đó tổ chức thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

Báo cáo của CIEM cũng đưa ra khuyến nghị cần phải bảo đảm thực thi nghiêm kỷ luật tài khóa và quản lý đầu tư công. Nâng cao hiệu quả thẩm định và điều phối dự án đầu tư công là một yêu cầu cần thiết đến năm 2020.

Hơn thế nữa, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cần tránh giải ngân quá nhanh các dự án đầu tư công trong năm 2016 - 2017. Điều này không hạn chế các dự án mới, kể cả siêu dự án, song phải đi kèm với dừng các dự án kém cần thiết, kém hiệu quả hơn.