Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Luật hóa quy định về xác định các khoản chi phí được trừ khi tính thuế
Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện quy định về việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tại Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.
Tại dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp để sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Việc này sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN, tạo thuận lợi trong thực hiện, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế. Đồng thời, luật hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ đã có thời gian thực hiện ổn định, không vướng mắc để đảm bảo sự minh bạch, tính pháp lý cao hơn của chính sách.
Với giải pháp 1, Bộ Tài chính đề xuất luật hóa các quy định liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ theo thẩm quyền và đã có thời gian áp dụng ổn định, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, bao gồm: Khoản chi cho thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật; Khoản chi hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DN; Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật; Khoản chi thực tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc của DN; Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc ban hành các quy định tại các nghị định đã đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc, thẩm quyền được quy định trong Luật thuế TNDN. Qua quá trình thực hiện những năm vừa qua không phát sinh vướng mắc và nhận được sự đồng tình của cộng đồng DN nên việc đưa vào Luật thuế TNDN cho minh bạch và nâng cao cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Giải pháp 2 đó là sửa đổi quy định về mức giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được tính vào chi phí được trừ nhằm tiếp tục khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước, qua đó, giảm thiểu động cơ tham gia vào các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức làm xói mòn cơ sở thuế, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về mức giá trị hàng hóa, dịch vụ phải thanh toán không dùng tiền mặt để được tính vào chi phí được trừ theo hướng giảm để thay cho mức 20 triệu đồng hiện nay (trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật như thanh toán tiền lương, khoán chi công tác phí cho người lao động, thanh toán bù trừ...).
Qua nghiên cứu cho thấy, để đảm bảo phù hợp với thực trạng và sự phát triển của hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, đảm bảo các DN có thể tuân thủ một cách thuận lợi thì mức dự kiến áp dụng có thể xem xét là 5 triệu đồng, ngang mức chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.
Giải pháp 3 được Bộ Tài chính đưa ra đó là sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến xác định chi phí lãi vay của khoản vay của các đối tượng không phải là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng để thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức tín dụng; bổ sung quy định về khống chế chi phí trả lãi tiền vay của các DN liên kết trên cơ sở luật hóa quy định đang được Chính phủ quy định chi tiết theo thẩm quyền.
Giải pháp 4 đó là sửa đổi, bổ sung các quy định để cho phép DN được tính các khoản chi sau vào khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Khoản thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đầu vào có liên quan trực tiếp đối với sản xuất, kinh doanh của DN chưa được khấu trừ hết nhưng không đủ điều kiện hoàn thuế; Khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh.
Theo Bộ Tài chính, giải pháp này là để tháo gỡ vướng mắc cho các DN, đảm bảo phản ánh đúng bản chất kinh tế khi xác định thu nhập chịu thuế, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số thuế giá trị gia tăng đầu vào của DN đủ điều kiện để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nhưng chưa được khấu trừ hết và không thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, quy định rõ số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi đã được tính vào chi phí được trừ thì không được khấu trừ với số thuế giá trị gia tăng đầu ra.
Việc thực hiện đề xuất sửa đổi như trên sẽ đảm bảo phản ánh đúng bản chất của khoản chi phí được trừ, góp phần tháo gỡ vướng mắc của DN, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Các DN sẽ có thêm sự linh hoạt việc xây dựng phương án kinh doanh là tính luôn số thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện được khấu trừ vào chi phí được trừ hay chờ để được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng trong tương lai.
Đồng thời, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ổn định, tiếp tục động viên, khuyến khích tổ chức, DN chung tay với Nhà nước trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh nói chung, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội, cần xem xét, bổ sung tại Luật Thuế TNDN việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi tài trợ, ủng hộ của tổ chức, DN nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Với giải pháp 5, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để quy định rõ các khoản chi sau không được tính vào chi phí trừ để đảm bảo căn cứ pháp lý cho việc thực hiện và cho phù hợp với thực tiễn: Khoản chi tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do cá nhân làm chủ); Khoản chi đóng Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ vượt mức quy định; Khoản chi không phù hợp với pháp luật liên quan; Khoản chi trả lãi tiền vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án BT, BOT, BTO.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNDN đã có quy định giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính quy định việc xác định các khoản chi phí được trừ của một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, xổ số... Theo đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý trong thực hiện, đảm bảo chi phí đầu vào tương ứng với doanh thu phát sinh, phản ánh đúng hiệu quả kinh doanh của dự án, cần bổ sung quy định rõ việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn thực hiện phân bổ chi phí lãi vay của các dự án BOT, BT, BTO để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.