Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan từ ứng dụng công nghệ thông tin
Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về hải quan và trở thành một trong những động lực quan trọng nhất để hiện đại hóa ngành Hải quan. Công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức hoạt động của ngành Hải quan, hình thành nên một hệ thống Hải quan Việt Nam hiện đại, minh bạch, hiệu quả; góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan.
Những kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải quan
Những năm qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn Ngành để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan. Điều này được minh chứng qua các kết quả sau:
Một là, ứng dụng toàn diện CNTT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Trong khai báo, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan: Nhờ ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khai báo, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan, từ ngày 1/4/2014, ngành Hải quan đã triển khai vận hành Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS). Đến nay, tất cả các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, trừ những thủ tục hải quan đối với hàng hóa tiểu ngạch biên giới.
Hơn 99,65% doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Thông qua việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Về nộp thuế: Đến nay, việc thu nộp thuế xuất nhập khẩu được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa hải quan và các ngân hàng thương mại. Tính đến nay, cơ quan hải quan đã thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với 36 ngân hàng thương mại, tổng số tiền thuế thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử đạt hơn 90% tổng số thu của Ngành. 100% các cục hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thanh toán điện tử.
Việc thực hiện thanh toán điện tử đã giúp DN thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế chỉ còn 3 phút); hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của DN. Đây là tiền đề cho việc mở rộng thanh toán điện tử đối với các loại phí và lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia.
Về giám sát hàng hóa tại cảng biển: Đến nay, ngành Hải quan đã triển khai việc giám sát hàng hóa tại cảng biển bằng phương thức điện tử thông qua áp dụng mã code. Thời gian thực hiện việc giám sát hàng hóa tại cảng biển chỉ mất vài phút, giúp tránh ách tắc hàng hóa tại cảng biển.
Về thực hiện các nghiệp vụ hải quan: Việc giám sát quản lý nhà nước về hải quan; Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Quản lý rủi ro; Kiểm tra sau thông quan; Điều tra chống buôn lậu; Xử lý vi phạm đều đã được tin học hóa và được hỗ trợ bởi hệ thống công nghệ thông tin. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Theo kế hoạch, trong tháng 6/2017, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai 2 hệ thống mới là: Hệ thống CNTT hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, cảng biển và Hệ thống quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương pháp quản lý mới. Việc đưa 2 hệ thống này đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Hai là, ứng dụng mạnh mẽ CNTT phục vụ người dân và DN.
Nhằm phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu triển khai các nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã quyết tâm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, trong năm 2016, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc cung cấp 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Dự kiến, đến cuối năm nay, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng hỗ trợ người dân và DN trong quá trình làm thủ tục hải quan thông qua việc vận hành Cổng thông tin điện tử hải quan và các trang thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Thông qua các kênh thông tin này giúp cung cấp đầy đủ 100% thông tin về quy trình thủ tục hải quan, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các thông báo hướng dẫn nghiệp vụ, các cơ sở dữ liệu danh mục… tiếp nhận và trả lời các vướng mắc trực tuyến từ phía người dân và DN.
Ba là, ứng dụng CNTT để hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành qua mạng nội bộ Net.Office. Cùng với đó, ngành Hải quan đã xây dựng và triển khai các hệ thống trong các lĩnh vực quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng, tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản… Việc ứng dụng CNTT còn được sử dụng trong việc quản trị công việc như giao việc, đôn đốc thực hiện, tổ chức các hội nghị trực truyến trong toàn Ngành. Ứng dụng CNTT đã góp phần hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Tổng cục Hải quan.
Bốn là, ứng dụng CNTT thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Được triển khai chính thức từ năm 2014 với 3 thủ tục đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đã đi vào ổn định, chắc chắn; Xây dựng được bộ máy tổ chức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia từ cấp quốc gia cho đến từng bộ, ngành, đơn vị; Hình thành nền tảng kỹ thuật, hệ thống CNTT đảm bảo cho việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia như: Xây dựng Cổng Thông tin một cửa quốc gia, ban hành các chuẩn trao đổi thông tin, kết nối với hệ thống CNTT của các bộ, ngành; Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; Xây dựng cơ chế phối hợp và huy động nguồn lực để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.
Tính đến nay đã có 11 bộ, ngành kết nối với số lượng thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (chưa kể Bộ Tài chính) là 38 thủ tục với sự tham gia của hơn 1 vạn DN và xử lý hơn 250 nghìn hồ sơ. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và DN thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, trong tháng 6/2017, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Từ tháng 9/2015, Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện kỹ thuật và sẵn sàng cho việc chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực. Những kết quả đạt được về Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong thời gian vừa qua đã đặt nền móng và tạo đà để triển khai trong thời gian tới.
Như vậy, có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan đã giúp hiện thực hóa các mục tiêu và cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia Cơ chế một cửa ASEAN, thúc đẩy triển khai chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam theo Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời là tiền để để hoàn thành các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong ngành Hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Định hướng trong thời gian tới
Kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua về ứng dụng CNTT trong ngành Hải quan, trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, DN.
Tổng cục Hải quan phấn đấu đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin, dịch vụ thuận lợi cho người dân, DN và các tổ chức; Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân và DN và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải; Thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế; Đảm bảo triển khai thành công Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Tăng cường kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, mở rộng kết nối với các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan.
Thứ hai, ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ hải quan
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng toàn diện CNTT trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan. Trong đó, tập trung mở rộng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan liên quan tới miễn, giảm, hoàn thuế, kết nối hệ thống với các cơ quan kinh doanh cảng, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, thủ tục quá cảnh, xử lý thông tin về hàng hóa và phương tiện vận tải qua đường biển, đường hàng không, đường bộ.
Đảm bảo Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống ứng dụng CNTT cốt lõi của Tổng cục Hải quan được vận hành ổn định, an ninh, an toàn 24/7, không làm gián đoạn hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải quan, các chức năng của Hệ thống VNACCS/VCIS được sử dụng hiệu quả, đúng với thiết kế của hệ thống.
Thứ ba, phát triển và hoàn thiện ứng dụng CNTT trong nội bộ hải quan.
Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hóa ứng dụng CNTT cho các bài toán phục vụ công tác quản lý nội bộ hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ Tài chính; đảm bảo 100% các văn bản trao đổi giữa các đơn vị trong ngành Hải quan dưới dạng điện tử (trừ các văn bản mật); 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy).
Thứ tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.
Nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đảm bảo trang bị hệ thống máy chủ, lưu trữ, sao lưu dự phòng tại Trung tâm dữ liệu của Tổng cục và các Trung tâm dữ liệu tại hải quan địa phương được quy hoạch, trang bị đồng bộ, vận hành ổn định liên tục 24/7. Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành chuyển đổi định hướng đầu tư mới, thay thế, nâng cấp các trang thiết bị CNTT đầu cuối theo hướng ảo hóa. Hạ tầng mạng được xây dựng, nâng cấp phù hợp với thiết kế, quy hoạch chung của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Thứ năm, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống CNTT có vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện mô hình xử lý thông tin tập trung cấp Tổng cục. Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ áp dụng, triển khai đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO về an toàn thông tin.
Thứ sáu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 – 2020, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, trong đó đảm bảo 100% công chức làm công tác CNTT được đào tạo bổ sung kiến thức để quản lý, quản trị, triển khai và hỗ trợ vận hành các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị CNTT; đồng thời tổ chức đào tạo cho 100% công chức, viên chức nghiệp vụ sử dụng các ứng dụng CNTT phục vụ nghiệp vụ...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử;
2. Báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan: Mức độ hài lòng của DN năm 2016”;
3. Các trang web: baohaiquan.vn, tapchitaichinh.vn.