Ngăn chặn gian lận thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

PV.

Ngày 13/9/2016, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 4156/TCT-DNL yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Công văn nêu rõ, hiện nay, tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn còn tình trạng gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, cơ quan thuế cần có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để đảm bảo chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thời gian qua, một số Cục Thuế địa phương như Nghệ An, Thái Bình, Lâm Đồng, đã kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo thực hiện giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Hiện mới triển khai áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam với hơn 50% thị phần xăng dầu tiêu thụ toàn quốc, 50% còn lại thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác.

Giải pháp nêu trên đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh doanh xăng dầu, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và được xã hội đồng tình, ghi nhận.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh/ thành phố phê duyệt thực hiện trên địa bàn.

Trình tự, thủ tục và các bước thực hiện cụ thể được hướng dẫn tại Công văn:

Thứ nhất, xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đề án cần nêu rõ sự cần thiết; căn cứ pháp lý, mục tiêu và yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của Đề án; các giải pháp thực hiện; cách thức tổ chức thực hiện.

Thứ hai, cục Thuế báo cáo UBND tỉnh/ thành phố phê duyệt Đề án thông qua việc ban hành Quyết định/ Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh/ thành phố.

Thứ ba, trên cơ sở Quyết định/ Chỉ thị của UBND tỉnh, thành phố Cục Thuế tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án. Theo đó, kế hoạch cần nêu rõ cơ quan thuế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các ban, ngành liên quan thực hiện kẹp chì và dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Thứ tư, thực hiện Kế hoạch đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, Cục Thuế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến tuyên truyền kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế thông qua giải pháp quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đó xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh) và các ban ngành có liên quan thành lập đoàn công tác liên ngành thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ tổng tất cả các cột bơm xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tem niêm phong công tơ tổng do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phát hành, quản lý.

Cơ quan thuế thực hiện ghi chỉ số công tơ tổng tại thời điểm niêm phong và chốt hóa đơn của đơn vị tại thời điểm niêm phong. Đoàn công tác liên ngành lập biên bản về tình trạng niêm phong đồng hồ tổng, số xăng, dầu bán ra tại thời điểm niêm phong trên đồng hồ tổng và số hóa đơn cuối cùng đã viết tại thời điểm niêm phong.

Công văn hướng dẫn, định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng/quý, cơ quan thuế phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng cử cán bộ đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên đồng hồ công tơ tổng của từng cột bơm, xác định lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Qua đó, đối chiếu với tờ khai của người nộp thuế, đối chiếu với hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp nếu có chênh lệch cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định.

Bên cạnh đó, cục thuế có thông báo cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong đó yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm bảo quản tem niêm phong đang dán trên công tơ tổng theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường và Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện tem niêm phong bị rách, hỏng hoặc các cột bơm xăng dầu cần sửa chữa liên quan đến việc bóc dỡ tem niêm phong thì các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kịp thời với cơ quan quản lý thuế trực tiếp và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng để được giải quyết.