Ngân hàng “ồ ạt” phát hành trái phiếu
Tháng 5/2024, các ngân hàng phát hành gần 55 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng hơn 80% so với tháng trước và chiếm 51,3% tống giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo báo cáo của FiinRatings, trong tháng 5/2024, tổng giá trị giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp (cả TPDN phát hành ra công chúng và TPDN riêng lẻ) đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, tăng 43,7% so với tháng trước.
Khối lượng giao dịch qua hình thức khớp lệnh (với toàn bộ là TPDN phát hành ra công chúng) giảm 12,8% so với tháng 4 và chiếm tỷ trọng thấp trên tổng thanh khoản thị trường với chỉ 0,23%. Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 5 đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, gấp 1,24 lần tháng trước đó.
Nhóm ngành Ngân hàng và Bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của tháng, với lần lượt tỉ trọng đạt 51,3% và 23,4%. Lượng trái phiếu ngân hàng được giao dịch đạt giá trị 54,64 nghìn tỷ đồng, tăng đột biến hơn 80% so với tháng trước, duy trì vị thế hấp dẫn so với các ngành còn lại. Tỷ suất lợi tức đáo hạn chủ yếu dao động trong khoảng 5%-9% tùy theo kỳ hạn còn lại.
Theo FiinRatings, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
VIS Ratings cho rằng, trong 5 năm qua, các ngân hàng Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại. Khi tăng trưởng tín dụng cải thiện hơn trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Trái phiếu có kỳ hạn dài hơn các nguồn vốn thị trường khác như vay liên ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi, do đó giảm khả năng dễ bị tổn thương trước rủi ro tái cấp vốn và rủi ro thanh khoản. Theo quy định hiện tại, trái phiếu tăng vốn cấp 2 được sử dụng như là vốn bổ sung để bảo đảm khả năng thanh toán cho ngân hàng. Các ngân hàng thường bù đắp chi phí vốn cao của trái phiếu tăng vốn cấp 2 bằng cách đẩy mạnh cho vay và đầu tư tài sản có kỳ hạn dài hơn.
Trái phiếu Bất động sản có khối lượng giao dịch tăng tới 18% trong bối cảnh dự báo cho thấy thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ mới với nhiều dự án được khởi động ở khu vực phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An và khu vực miền Bắc ở các tỉnh và khu vực quanh Hà Nội.
Trên thị trường sơ cấp, thị trường TPDN riêng lẻ trong tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị phát hành. Trong tháng 5 thị trường đón nhận 26 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16,5 nghìn tỷ đồng (tăng 76,8% so với tháng trước), với BIDV và Techcombank sở hữu lượng phát hành lớn nhất là 5,3 nghìn tỷ đồng và 3 nghìn tỷ đồng.