Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam


Quản trị rủi ro tín dụng (RRTD) nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng và góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Bài viết phân tích trực trạng quản trị RRTD tại ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất giải pháp hoàn thiện quản trị RRTD tại ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng

Quản trị RRTD là tiến trình của nhà quản trị bao gồm nhận dạng, đánh giá mức độ rủi ro tiềm ẩn mà ngân hàng phải đối mặt; đồng thời, lựa chọn, thực thi những biện pháp, công cụ thích hợp nhằm đối phó với rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM).

Tiến trình quản trị RRTD bao gồm các nội dung công việc mà bất kỳ ngân hàng nào cũng phải thực hiện trong hoạt động quản trị kinh doanh của mình. Nội dung quản trị RRTD được mô tả tại Hình 1.

Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại Việt Nam

Nghiên cứu về thực trạng quản trị RRTD tại các NHTM Việt Nam, có thể chỉ ra một số vấn đề sau:

Kết quả tích cực

- Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng: Hình 2 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020, xu hướng tăng, đặc biệt là năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho nợ xấu tăng lên so với những năm trước đó. Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" cũng đã đến thời điểm kết thúc và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, nhưng mục tiêu đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào cuối năm 2020 khó hoàn thành.

- Mức độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có xu hướng giảm: Các TCTD đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước.

Số liệu đến ngày 31/12/2020 cho thấy, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giám lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ tiên tiến để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng...

Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam  - Ảnh 1

- Khả năng sinh lợi của NHTM tăng lên theo thời gian: Hình 3 cho thấy, kết quả kinh doanh của ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Nếu như năm 2015, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn hệ thống chỉ ở mức 12,2% thì đến cuối năm 2020, ROE lên đến 18,1% và đều tăng mạnh so với các năm trước đó.

- Chiến lược, chính sách định hướng cho hoạt động quản trị rủi ro tín dụng ngày càng rõ ràng và mang tính thực tiễn: Phần lớn các ngân hàng đã xây dựng được các định hướng chiến lược trong cấp tín dụng.

Hàng năm đều có chính sách ưu tiên, chú trọng phát triển tín dụng cho một số ngành phù hợp với chính sách phát triển kinh tế và thị trường mục tiêu của ngân hàng. Điều này hết sức quan trọng cho hoạt động tín dụng của ngân hàng từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định.

- Bắt đầu hình thành mô hình tổ chức theo hướng tập trung cho quản trị RRTD: Luật các TCTD năm 2010 và sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức quản trị điều hành trong ngân hàng.

Hầu hết các ngân hàng đã xây dựng được mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế, chú trọng QTRR nói chung, trong đó có quản trị RRTD. Cụ thể, tất cả các ngân hàng đều hình thành Ủy ban Quản lý rủi ro, với vai trò tư vấn cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trong vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro.

- Xây dựng được quy trình cấp tín dụng chặt chẽ, tạo điều kiện để kiểm soát RRTD ngay từ khi mới xuất hiện: Mặc dù, có sự khác nhau giữa các ngân hàng, nhưng về cơ bản quy trình tín dụng đều đã được các ngân hàng xây dựng hết sức chặt chẽ, bao gồm nhiều bước đi cụ thể, có sự nối kết, kế thừa và mang nội dung kiểm soát lẫn nhau giữa các bước/các khâu trong quy trình.

Trong khâu thẩm định/phân tích tín dụng - một nội dung của quy trình tín dụng, các ngân hàng đã chú trọng phân tích tình hình hoạt động của người vay, nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm định các khoản vay, các dự án đầu tư, chú ý phân tích hiệu quả và các yếu tố tác động đến dự án để thấy được rủi ro của khoản vay. Thực hiện tốt việc kiểm tra tín dụng, phối hợp tốt với kiểm soát nội bộ trong việc kiểm tra chéo.

- Xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm đo lường rủi ro giao dịch tín dụng: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thường được cấu trúc riêng biệt đối với ba nhóm đối tượng khách hàng chính, bao gồm: Nhóm khách hàng doanh nghiệp (doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp tiềm năng), nhóm khách hàng cá nhân/hộ kinh doanh và nhóm khách hàng là định chế tài chính.

Mặc dù hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ chỉ giúp ngân hàng đo lường rủi ro giao dịch, chưa đánh giá được rủi ro danh mục tổng thể, nhưng việc xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cũng cho thấy bước tiến mới của các ngân hàng trong tiến trình vận dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Một số tồn tại, hạn chế

- Môi trường quản trị RRTD chưa đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban Basel và thông lệ quốc tế: Trước hết, phải đề cập đến việc hoạch định chiến lược còn khá đơn giản, hầu hết chỉ mang nội dung định hướng phát triển chung, chưa đưa ra được một danh mục tín dụng, kế họach cụ thể; trong đó tỷ trọng dư nợ từng ngành, từng khu vực, từng đối tượng chưa được xây dựng cụ thể nhằm hạn chế RRTD tập trung.

Bên cạnh đó, các mục tiêu đặt ra cũng chỉ ở mức đơn giản, thông qua các con số về tốc độ tăng trưởng tín dụng cho toàn ngân hàng, tỷ trọng nợ xấu/ nợ quá hạn cần khống chế, hoặc được xử lý. Mức độ tổn thất tín dụng thể hiện “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng không được cụ thể hóa cho từng ngành, từng khu vực thị trường, từng loại sản phẩm tín dụng.

Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam  - Ảnh 2

Duy trì mô hình tổ chức quản trị phân tán, chưa tách bạch các chức năng dễ dẫn đến xung đột quyền lợi trong quản trị RRTD: Ở một số ngân hàng, chức năng của bộ phận quản lý rủi ro cũng chưa được hiểu đúng. Tình trạng bộ phận quản lý rủi ro tham gia vào trong khâu thẩm định/tái thẩm định tín dụng không phải chỉ có ở những ngân hàng nhỏ, mà ngay tại các ngân hàng lớn như BIDV hay Vietinbank vẫn tồn tại. Điều đó cho thấy chưa thực sự tách biệt giữa chức năng tạo rủi ro (tác nghiệp) và chức năng quản lý rủi ro, tính độc lập của quản lý rủi ro chưa được đảm bảo, dẫn đến hiệu quả quản trị thấp.

Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam  - Ảnh 3

- Chưa có một hệ thống đo lường RRTD phù hợp với thông lệquốc tế: Mỗi thành phần rủi ro có một cách thức đo lường riêng. Ủy ban Basel trong Hiệp ước Basel II đã khuyến khích các ngân hàng dùng mô hình nội bộ để đo lường rủi ro riêng biệt của ngân hàng mình. Nhiều ngân hàng tại các nước phát triển đã sử dụng các mô hình khác nhau để đo lường rủi ro, từ đó tiến hành trích lập dự phòng hoặc tính mức vốn tương xứng để bù đắp cho tổn thất. Tuy nhiên, các mô hình này chưa được áp dụng tại Việt Nam.

Giải pháp hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng ở Việt Nam

Từ thực tiễn hoạt động quản trị RRTD tại NHTM Việt Nam, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động này trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức về quản trị rủi ro nói chung và quản trị RRTD nói riêng.

Xét về tổng thể, hệ thống NHTM Việt Nam đã chú trọng nghiêm túc triển khai công tác quản trị rủi ro và đặc biệt là quản trị RRTD. Tuy nhiên, về phương pháp đo lường RRTD, cách thức thực hiện quản trị RRTD giữa các NHTM Việt Nam vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Nguyên nhân của sự khác biệt này một phần là do yếu tố khách quan về quy mô kinh doanh của từng ngân hàng, nhưng mặt khác là phụ thuộc vào nhận thức về chiến lược xây dựng hệ thống quản trị rủi ro của từng NHTM.

Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam  - Ảnh 4

Thứ hai, hoàn thiện các nhân tố nhằm thực thi nội dung quản trị RRTD.

Các ngân hàng cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tốt dựa trên chiến lược quản trị rủi ro thích hợp với môi trường kinh doanh. Hệ thống quản trị rủi ro phải cho phép chấp nhận mức độ rủi ro nói chung và mức độ chấp nhận về RRTD nói riêng để tạo thuận lợi trong kinh doanh, cũng như trong quản trị rủi ro.

Theo đó, nội dung quản trị RRTD phải được xây dựng dựa trên những đánh giá tổng thể về tình hình kinh doanh của NHTM, môi trường kinh tế vĩ mô, những kỳ vọng về phát triển trong tương lai của ngân hàng và đảm bảo trên cả hai phương diện là đo lường rủi ro giao dịch tín dụng và rủi ro danh mục tín dụng.

Thứ ba, hoàn thiện các chính sách liên quan đến quản trị RRTD.

- Chính sách tín dụng: Chính sách tín dụng là các nguyên tắc và tiêu chuẩn tín dụng cơ bản đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng và góp phần quản trị RRTD. Do đó, hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng tại mỗi NHTM là một giải pháp vô cùng quan trọng để góp phần ngăn ngừa RRTD.

- Chính sách giới hạn tín dụng: Bên cạnh hoàn thiện chính sách tín dụng, các ngân hàng còn phải hoàn thiện chính sách quy định giới hạn tín dụng nhằm tránh tập trung vốn quá nhiều cho một số ít khách hàng/nhóm khách hàng/các đối tượng được ưu đãi.

Thêm vào đó, các ngân hàng cần phải xây dựng các giới hạn cấp tín dụng theo ngành/lĩnh vực kinh tế, hoặc theo khu vực địa lý, tránh tình trạng đầu tư tín dụng tràn lan, thiếu kiểm soát ở một số ngành như dụng vào kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán hoặc cho vay để sở hữu chéo...

Để có cơ sở giám sát tốt các biểu hiện của tập trung tín dụng, chính sách giới hạn tín dụng cần xây dựng nội dung phân cấp/ủy quyền hạn mức tín dụng phù hợp cho hội đồng tín dụng, ủy ban quản lý rủi ro, các chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng dựa trên tiêu chí năng lực quản trị của các cấp có tham gia vào quy trình cấp tín dụng và quản trị tín dụng.

- Chính sách dự phòng RRTD: Dự phòng rủi ro chỉ tính theo dư nợ gốc của khách hàng và được hạch toán vào chi phí hoạt động của TCTD.

Thứ tư, lựa chọn mô hình quản trị RRTD an toàn, khoa học, dễ vận hành và dễ kiểm tra.

Các NHTM Việt Nam nên xây dựng vàvận hành mô hình quản lý rủi ro trong hoạt động nói chung và RRTD nói riêng theo ba tuyến phòng vệ và đảm bảo luôn có sự kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau.

Thứ năm, hoàn thiện các yêu cầu về quản trị rủi ro tín dụng. Gồm:

- Nhận dạng rủi ro tín dụng: Là một bước đầu tiên để có một chu trình quản trị RRTD. Nhận dạng RRTD thông qua các dấu hiệu cảnh báo, tìm ra nguyên nhân RRTD và dự đoán tổn thất tiềm năng.

- Đánh giá rủi ro tín dụng: Tiến hành đánh giá, phân loại khách hàng và xếp hạng tín dụng thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, từ đó phân loại nợ và trích lập dự phòng theo đúng tính chất khoản nợ và theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan có thể làm suy yếu tình hình tài chính của một số công ty, cá nhân đang có dư nợ ở ngân hàng. Các khoản nợ thuộc các trường hợp khách hàng như trên có thể sẽ trở thành nợ xấu.

Chính vì vậy, các NHTM cần xây dựng nhiệm vụ của cán bộ tín dụng phụ trách khoản vay để có trách nhiệm theo dõi giám sát các khoản vay mà mình quản lý, thực hiện kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ theo quy trình tín dụng.

- Phân tích rủi ro tín dụng: Lượng hoá mức độ RRTD mà ngân hàng đang phải đối mặt, tính toán để dự báo mức độ thiệt hại nếu RRTD xảy ra nhằm xây dựng chính sách tín dụng phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, nhóm khách hàng vay vốn giúp cho lãnh đạo ngân hàng điều hành chỉ đạo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

- Giám sát và xử lý rủi ro tín dụng: Giám sát hàng ngày đối với lĩnh vực cấp tín dụng có mức độ rủi ro cao và dự báo các rủi ro tiềm ẩn, lập dự phòng ngay từ giai đoạn đầu. Định kỳ phải xem xét, đánh giá lại chiến lược quản trị rủi ro nói chung và quản trị RRTD nói riêng đã xây dựng và vận hành trước đó.

Thứ sáu, hoàn thiện các phương thức đo lường rủi ro tín dụng.

Đo lường RRTD và hoàn thiện các phương thức đo lường RRTD tại các NHTM là yêu cầu bắt buộc đối với kinh doanh ngân hàng nói chung và hoạt động cấp tín dụng nói riêng. Các phương thức đo lường RRTD truyền thống này cho thấy, các ưu điểm về cách tính toán quy mô dư nợ, tỷ lệ nợ xấu có khả năng thu hồi, tỷ lệ nợ xấu có khả năng mất vốn, dự phòng, khả năng chịu đựng của lợi nhuận đối với nợ xấu một cách trực quan, đơn giản, dễ tính.

Phương thức này cũng chứa đựng nhiều hạn chế về khả năng dự tính mức độ RRTD của một ngân hàng trong tương lai là bao nhiêu, hơn nữa quy mô nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của một ngân hàng có thể phản ánh khác nhau về tình hình và khả năng chịu đựng thiệt hại của ngân hàng đó, các số liệu theo phương thức này là mang tính quá khứ.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát và quản lý khoản vay.

Ngân hàng cần hoàn thiện các văn bản, quy trình, quy định hướng dẫn công tác kiểm soát và quản lý khoản vay. Các văn bản này cần cụ thể hóa về trình tự, mục đích, nội dung và cách thức kiểm soát sau đối với khách hàng, bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng là tổ chức. Các mẫu biểu ban hành kèm theo cần được thiết kế rõ ràng, chi tiết, khoa học và dễ áp dụng.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

2. Ủy ban Gim st ngân hng, Basel I, Basel II vBasel III, http://www.bis. org/bcbs/;

3. Ngân hàng Nhà nước (2015-2020), Báo cáo thường niên giai đoạn 2015-2020;

4. Andrew Fight (2004), Credit risk management, Essential Capital Markets, 2004, Page 244;

5. Jing LinLu H (2021), Lattice clus tering and its appl ication in credit risk mana ge ment ofcom mercial bank. Procedia Computer Science 183 (2021) 145–151;

6. Huong Nguyen Quynh Le, Thai Vu Hong Nguyen, ChristopheSchinckus (2021), Bank efficiency, market structure and strategic interaction: Evidence from Vietnam, Research in International Business and Finance. Volume 56, April 2021, 101371.

(*) ThS. Nguyễn Thị Mỹ Yên, ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.