Ngành Hải quan: Thu ngân sách 11 tháng đầu năm ước đạt 88,7%

PV.

Tính đến ngày 22/11/2016, số thu ngân sách của Hải quan đạt 232.250 tỷ đồng, bằng 86% dự toán. Ước thu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 239.454 tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề “Công tác thu ngân sách ngành Hải quan năm 2016, ngày 24/11.
Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề “Công tác thu ngân sách ngành Hải quan năm 2016, ngày 24/11.

Thu ngân sách "gặp khó" do nhiều nguyên nhân

Thông tin tại buổi họp báo chuyên đề “Công tác thu ngân sách ngành Hải quan năm 2016”, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Năm 2016, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 275.000 tỷ đồng.

Dự toán này được xây dựng trên cơ sở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (GDP) tăng khoảng 6,7%; Chỉ số CPI 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và giá dầu thô là 60 USD/thùng.

Đến ngày 15/11/2016, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 8.311 cuộc, trong đó có 1.157 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan (bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015), đạt 86% chỉ tiêu được giao; đã ra quyết định truy thu 3.090 tỷ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ năm 2015), đã thực thu vào ngân sách nhà nước 2.032 tỷ đồng, đạt 73% chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, trên thực tế trong 10 tháng đầu năm giá dầu thô đã giảm so với dự toán, bình quân chỉ đạt 43,5 USD/thùng làm giảm thu từ dầu thô xuất khẩu.

Riêng với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu ngoài ảnh hưởng bởi giá giảm, còn do thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế suất các thị trường Hàn Quốc, ASEAN thấp hơn so với thuế suất MFN, do đó các DN đã chuyển hướng sang nhập khẩu từ các thị trường có thuế suất làm giảm thu mạnh.

“Nếu như năm 2015 số thu từ mặt hàng này chiếm khoảng 13%/tổng thu thì nay chỉ chiếm 6,5%/tổng thu”, ông Lưu Mạnh Tưởng nói.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết thêm: Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế trong 10 tháng năm 2016 đạt 66,88 tỷ USD tăng 4,96% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, xuất khẩu có thuế đạt 3,67 tỷ USD giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2015; Nhập khẩu có thuế đạt 63,21 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, thuế suất cao: Linh kiện ô tô nhập khẩu tăng 16,9% so với cùng kỳ 2015; Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi tuy giảm về số lượng (-6,92%) nhưng lại tăng về trị giá (32%) do các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt vào các tháng 4,5,6 để tránh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe có dung tích lớn.

Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng tăng 6%, về lý thuyết nếu không có các tác động khác thì số thu 10 tháng đầu năm 2016 cũng phải tăng 6%. Tuy nhiên, số thu 10 tháng đầu năm chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ 2015. Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu của các lô hàng có C/O năm 2015 chiếm 21,19% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế; 9 tháng đầu năm 2016 chiếm 23,03%, tăng gần 2%.

Như vậy, việc giảm thuế sâu đã làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu đã chuyển hướng thị trường nhập khẩu từ thị trường có thuế suất thuế nhập khẩu cao sang thị trường có thuế nhập khẩu thấp. Đây cũng là một trong các nguyên nhân giảm thu NSNN của ngành Hải quan.

“Hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt như kỳ vọng cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của ngành Hải quan”, ông Hùng nói. Điều này thể hiện qua việc GDP năm 2016 có thể chỉ đạt khoảng 6%, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo.

Nhiều giải pháp cho giai đoạn “nước rút”

Bối cảnh tuy khó khăn song số thu NSNN vẫn vượt so với cùng kỳ năm 2015 là do ngay từ đầu năm ngành Hải quan đã ban hành nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đối mặt với những khó khăn phía trước, để hoàn thành dự toán được giao, trong những tháng còn lại, ngành Hải quan sẽ chủ động triển khai một số giải pháp cho giai đoạn “nước rút” như sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách như: Những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Thứ hai, yêu cầu các đơn vị thuộc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu hiện có để xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hện kiểm tra trong thông quan hoặc sau thông quan để làm rõ hành vi vi phạm, thu đủ thuế trong đó tập trung kiểm tra, rà soát một số lĩnh vực trọng tâm như: Phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế; xuất xứ hàng hóa; trị giá hải quan, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xác định và xử lý nợ...

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại: Chủ động rà soát, kiểm tra các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn... các mặt hàng trọng tâm trọng điểm, xác định các dấu hiệu nghi vấn khai sai số lượng, trị giá, thuế suất..., đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, chống gian lận thương mại trong khâu làm thủ tục hải quan. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo các chuyên đề chống thất thu thuế; Thành lập các đoàn cấp Cục và Tổng cục để kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ thuế.