Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Ngành Tài chính đã đạt kết quả toàn diện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017
Ghi nhận và đánh giá cao thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành Tài chính, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 của ngành Tài chính (sáng ngày 8/1/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thành tích này đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2018 của ngành Tài chính, sáng ngày 8/1/2018. |
Ngành Tài chính đã thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những kết quả tích cực của nền kinh tế Việt Nam năm 2017 như: Tăng trưởng GDP đạt 6,81% (khoảng 5,1 triệu tỷ đồng), nợ công giảm chỉ còn 61,3% GDP, doanh nghiệp phát triển tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, thu hút và giải ngân vốn FDI tăng mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo… để nhấn mạnh rằng, ngành Tài chính đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của đất nước.
“Ngành Tài chính đã đạt kết quả khá toàn diện và xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017”. Khẳng định điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần làm việc từ lãnh đạo Bộ Tài chính đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “rất lo lắng đến nhiệm vụ được giao”. “Hình ảnh đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng… cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, cơ sở đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Về thu NSNN, ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 5,9%. Thu ngân sách Trung ương cơ bản đạt dự toán; thu ngân sách địa phương vượt dự toán, qua đó, đảm bảo nguồn thực hiện nhiệm vụ chi, nhất là chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển, chi đột xuất cho thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Về chi ngân sách, ngành Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ hơn, mở rộng tiết kiệm theo đúng quy định, siết chặt quản lý ngân sách ở các cấp, ngành. Theo đó, đảm bảo mức bội chi Quốc hội giao 3,48%/3,5% GDP. Tổng số hỗ trợ thiệt hại lũ bão, khôi phục sản xuất sau thiên tai cũng đã được triển khai kịp thời với 4.200 tỷ đồng và xuất cấp trên 127 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cứu đói, cứu trợ cho nhân dân.
Nợ công được cải thiện rõ nét. Quản lý tài sản công đạt kết quả bước đầu, nhất là vấn đề quản lý xe công và trụ sở đã có nhiều đổi mới mang lại hiệu quả. Thị trường tài chính có bước phát triển mới, thực hiện tốt hơn chức năng cung ứng nguồn vốn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Quy mô thị trường vốn đạt trên 103% GDP. Thị trường chứng khoán (ngày 29/12/2017) đã đạt 984 điểm, cao nhất trong 10 năm qua.
Công tác cải cách hành chính của ngành Tài chính cũng được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Trong năm 2017, ngành Tài chính đã tăng cường cải cách mạnh mẽ góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt việc cắt giảm và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; triển khai tốt cơ chế hải quan một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, rút ngắn bằng mức thời gian trung bình ASEAN. Do đó, đã đưa chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 41 bậc, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai trên 63 tỉnh/thành phố và 100% tại các chi cục thuế với gần 624 nghìn doanh nghiệp (đạt 99,8% tổng số doanh nghiệp tham gia)… Công tác điều hành giá và quản lý nhà nước về giá năm 2017 đã được triển khai tốt, Bộ Tài chính đã đề xuất kịp thời nhiều giải pháp ổn định giá cả thị trường… giúp kiểm soát CPI trong năm ở mức thấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự tại Hội nghị. |
Ngành Tài chính cần cập nhật sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0
Bên cạnh việc đánh giá rất cao vai trò và nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra một số tồn tại, nêu những định hướng quan trọng mà ngành Tài chính cần thực hiện năm 2018 và thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài chính quốc gia cần chủ động để khắc phục sự khiếm khuyết trong nền kinh tế Việt Nam bước đầu vào kinh tế thị trường. Là kênh tham mưu quan trọng về tài chính quốc gia, Thủ tướng cho rằng: Ngành Tài chính cần đề xuất các chính sách tài chính để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Nghiên cứu các chính sách kinh tế mà một số nước đã làm thành công để góp phần làm cho Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và bền vững hơn thông qua chính sách tài chính quốc gia.
Đánh giá chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế vừa qua thay đổi quá nhanh, quá nhiều, Thủ tướng yêu cầu chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự thay đổi của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài từ 5 đến 10 năm, đồng thời, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thủ tướng cũng nêu một thực tế hiện nay là định hướng cơ chế chính sách về thu NSNN vẫn tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook….
“Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế” nhấn mạnh điều này, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính phải cập nhật sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đang xuất hiện nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ mới để mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của Tổ chức Hợp tác kinh tế quốc tế (OECD), Liên hợp quốc… nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế. “Rõ ràng các hoạt động trên thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam nhưng chính sách của chúng ta chưa theo kịp quá trình hội nhập nên đã nhường quyền đánh thuế cho người khác hoặc phải theo các vụ kiện cáo của các tập đoàn nước ngoài”, nhấn mạnh điều này, Thủ tướng yêu cầu, cần phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của OECD, Liên hợp quốc để hoàn thiện các luật thuế bổ sung, sửa đổi lần này phải theo kịp, tương thích với quy định quốc tế.
Cho rằng “bài toán” cân đối NSNN còn chưa khoa học, chưa vững chắc, Thủ tướng nêu thực tế là thu ngân sách quốc gia năm nào cũng vượt, nhưng những năm gần đây các địa phương vượt dự toán thu ngân sách sớm, còn ngân sách Trung ương phải “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể là nói là đảm bảo số thu. Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phải có giải pháp để ngân sách Trung ương là chủ đạo trong NSNN.
Nêu lên những bất cập trong công tác quản lý tài sản công, Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác quản lý tài sản công vẫn đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Ví dụ mới nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. “Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. |
Cải cách hành chính về thuế, hải quan đã tiến được một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng và đứng thứ 4 ở ASEAN. Người dân và doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ cải cách quan trọng này. Tuy nhiên, ngành Tài chính không được say sưa với thành công này mà chúng ta phải tận dụng Cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục điện tử…, kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử... Phải làm cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế tiến đến ngang bằng các nước OECD, chứ không chỉ dừng lại ở chuẩn mực khu vực ASEAN.
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Ngành Tài chính tiếp tục chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán. Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện).