Ngành Thuế: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế từ nay đến cuối năm 2016 là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (đứng giữa) thăm Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (đứng giữa) thăm Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế.

Tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu 14%

Ông Trần Văn Phu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu từ nay đến cuối năm 2016 của Tổng cục Thuế là tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Để đạt mục tiêu đề ra, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế phải tham mưu cho UBND các địa phương thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách tại địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và nợ đọng thuế năm 2016. “Các cục thuế phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tăng thu tối thiểu 14 - 16% so với số thực hiện năm 2015”, ông Phú nói.

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN, Tổng cục Thuế sẽ thường xuyên tổ chức các “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, các hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách thuế mới nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế. Để làm tốt công tác này, Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Phu cho rằng, ngành Thuế phải tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền.

“Bộ phận Tuyên truyền Hỗ trợ phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế. Cần thực hiện phân loại người nộp thuế để có cơ chế tuyên truyền, hỗ trợ, đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả. Tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Đồng thời, công khai DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nhất là những DN sử dụng hoá đơn bất hợp pháp”, ông Phu nói.

Cùng với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tiến hành rà soát, đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu NSNN trên địa bàn, nhất là năng lực sản xuất mới phát sinh; thực hiện nguyên tắc xây dựng dự toán NSNN phải dựa trên hệ thống dữ liệu về cơ sở kinh tế, chính sách thu, đảm bảo tính khoa học và khả thi; nâng cao công tác phân tích, dự báo để thực sự tạo ra cơ sở quan trọng giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu NSNN.

Từng bước hiện đại công tác quản lý thuế

Để thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 đến 2020, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011 đến 2015, Tổng cục Thuế đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 đến 2020.

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (CNTT - Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay Cục CNTT đang triển khai thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thuế, trong đó lưu ý các chỉ tiêu, nội dung kinh tế, chứng từ thu ngân sách có tính công khai, minh bạch rõ ràng và tính pháp lý cao...

“Chúng tôi đang triển khai kết nối mạng giữa cơ quan Thuế với cơ quan Tài nguyên Môi trường để chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý đất đai trên địa bàn 63/63 địa phương. Duy trì và vận hành ổn định hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS). Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Cục CNTT phải thực hiện từ nay đến cuối năm 2016”, ông Toàn nói.

Ngoài việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu, vận hành ổn định hệ thống TMS, ngành Thuế cũng sẽ triển khai thí điểm, tiến tới thực hiện rộng rãi theo phương thức điện tử việc giao dịch, quan hệ công tác giữa cơ quan thuế cấp trên với cơ quan thuế cấp dưới, cũng như trong nội bộ ngành Thuế, tạo đà để triển khai thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chỉnh phủ.

Thực hiện đúng quy chế làm việc, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho người nộp thuế. Thực hiện chế độ trách nhiệm đối với cán bộ thuế không tuân thủ đúng quy chế làm việc. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy trình, quy chế và sổ tay nghiệp vụ chuyên môn phục vụ công tác thuế, trong đó tập trung các quy trình, quy chế liên quan đến người nộp thuế.

Công tác nộp thuế điện tử mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, xong Tổng cục Thuế cũng đặt ra mục tiêu là từ nay đến cuối năm 2016 ít nhất 90% số DN nộp thuế điện tử về cả 3 chỉ tiêu (số DN đang quản lý thuế trên địa bàn, số chứng từ nộp thuế, số tiền thuế thu được trên địa bàn quản lý), trong đó quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến để DN nhận thức đầy đủ và tin tưởng khi sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Hoàn thành việc thí điểm, hoàn thiện kết nối thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin với các DN có đủ điều kiện ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán, đảm bảo đúng quy định và điện tử hóa công tác ủy nhiệm thu nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, thu thuế thu nhập cá nhân đối với nhượng bất động sản bằng phương thức điện tử.