Nghị định số 08/2023/NĐ-CP: “Khơi thông” ách tắc trong dòng vốn của doanh nghiệp
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Phan Linh - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam nhận định, những quy định mới tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ góp phần khơi thông những “nút” ách tắc trong dòng vốn của doanh nghiệp hiện nay.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những quy định mới tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành?
Ông Phan Linh: Trước đây, để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, trong đó đưa ra các quy định mới siết chặt hoạt động quản lý phát hành TPDN như: Phải được xếp hạng tín nhiệm, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia... Đây là những quy định tốt, đúng đắn để hướng đến chuyên nghiệp hoá thị trường TPDN.
Tuy nhiên, những quy định này được ban hành trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp nhiều khó khăn, khiến dòng vốn huy động qua kênh này gặp nhiều cản trở.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế là động thái rất nhanh nhạy, kịp thời nhằm giúp các doanh nghiệp có một văn bản pháp lý rõ ràng hơn trong việc đàm phán tìm nguồn trả nợ trái phiếu cho trái chủ cũng như hạ bớt rào cản tham gia thị trường TPDN với các nhà đầu tư mới.
Phóng viên: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Điều này sẽ tác động ra sao tới thị trường TPDN, nhất là trong bối cảnh, dự báo tổng giá trị TPDN bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023-2024 rất lớn, thưa ông?
Ông Phan Linh: Mặc dù thời gian qua đã có một số doanh nghiệp nhanh nhạy đàm phán với các trái chủ bằng cách sử dụng các tài sản khác để thanh toán, tuy nhiên, việc ban hành một văn bản pháp lý cụ thể giống như việc mở đường chính thống cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bất động sản có dư nợ TPDN lớn có thể đàm phán với các trái chủ khi mà áp lực trả nợ đang lớn dần vào quý II và quý II năm nay.
Đồng thời, đây cũng là giải pháp cho các tài sản đảm bảo là bất động sản đang bị đóng băng có thể được chuyển nhượng sang những chủ sở hữu mới. Từ đó, tạo tiền đề giúp cho thị trường bất động sản có thanh khoản hơn.
Phóng viên: Hiện đang có một số lo ngại rằng, việc tạm ngưng một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp hay xếp hạng tín nhiệm bắt buộc có thể khiến thị trường TPDN rơi vào tình trạng thiếu minh bạch. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phan Linh: Theo tôi, việc quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không là câu chuyện xa hơn trong tương lai. Vì theo tôi quan sát, kể cả khi không là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì trước đây, rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu không đủ điều kiện tham gia thị trường cũng có thể tìm cách lách bằng cách mua lại những chứng chỉ quỹ trái phiếu được phát hành lại từ các nhà đầu tư hay tổ chức mua bán trái phiếu chuyên nghiệp.
Do vậy, theo tôi, vấn đề lớn nhất hiện tại của thị trường TPDN không phải đến từ phía cầu mà chủ yếu đến từ phía cung. Đó là chất lượng của các trái phiếu được phát hành, là độ minh bạch thông tin của tổ chức phát hành cũng như đơn vị phân phối. Việc ngưng một số quy định về nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp giúp hạ bớt rào cản tham gia thị trường của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư có “mặn mà” với thị trường trái phiếu hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin khi xử lý những vấn đề về phía cung mà tôi chia sẻ ở trên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo sức hút đối với trái phiếu, chính bản thân doanh nghiệp buộc phải tự minh bạch các thông tin liên quan, chứng minh được năng lực nội tại dù có yêu cầu phải thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm hay không? Có như vậy thì TPDN mới có thể trở thành kênh đầu tư cạnh tranh giữa rất nhiều các kênh tiềm năng khác.
Phóng viên: Với các quy định mới liên quan đến TPDN đã được bắt đầu thực hiện từ ngày 5/3/2023, quan điểm của ông như thế nào về những tác động tới thị trường chứng khoán cũng như niềm tin của nhà đầu tư?
Ông Phan Linh: Thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là hai thị trường có mức độ liên thông lớn với nhau. Khi hai thị trường này phát triển sẽ làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng vì các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.
Theo quan sát của tôi, tại Việt Nam, hai thị trường này thường có sự đồng pha lẫn nhau. Việc huy động vốn quá dễ dàng từ thị trường trái phiếu cũng như thị trường chứng khoán trong thời gian qua sẽ là bài học để các cơ quan quản lý nhìn nhận và phát triển nó một cách bền vững chắc chắn hơn trong thời gian tới. Theo tôi, những quy định mới này là kịp thời với thị trường trái phiếu và gián tiếp với thị trường chứng khoán để khơi thông những “nút” ách tắc trong dòng vốn của doanh nghiệp hiện nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!