Năm 2019, kinh tế Việt Nam phải thoát khỏi vùng "không khuyến khích đầu tư"

Theo Ngọc Xen/vietq.vn

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam phải thoát khỏi vùng "không khuyến khích đầu tư" và tiến vào vùng "khuyến khích đầu tư".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2018 có thể nói là năm ấn tượng của kinh tế Việt Nam với các điểm nhấn về hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ cao nhất trong vòng 10 năm, với hàng loạt “điểm sáng”. Phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu để cùng đưa ra những góc nhìn về cơ hội cũng như thách thức nền kinh tế Việt Nam trải qua năm 2018 và phải đối mặt trong năm 2019.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2018 vừa qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng đáng kể. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng này?

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết có thể thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có nhiều động lực tăng trưởng trong nước. Từ việc phát triển trong cuộc CMCN 4.0 đến việc nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới. Đặc biệt, khi những hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA... chính thức có hiệu lực đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo cơ hội để ngày càng hội nhập hơn với thế giới.

Hơn nữa, năm 2018, việc kiểm soát lạm phát trong nền kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu rất khả quan. Có lẽ năm 2019, chúng ta sẽ tiếp tục giữ được lạm phát ở mức dưới 4%. Đồng thời, tôi nghĩ riêng về GDP, nếu năm vừa rồi chúng ta tăng được 7,08% thì năm nay với mục tiêu của Quốc hội đề ra là 6,6% – 6,8%, chúng ta tin tưởng có rất nhiều khả năng đạt được. Thành ra tôi rất lạc quan với nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

Thưa ông, bên cạnh những động lực phát triển, kinh tế Việt Nam còn gặp không ít thách thức, đặc biệt là thách thức trong nước. Xin ông chia sẻ về những yếu tố tạo nên thách thức này?

Theo tôi, nói về thách thức trong nước trước tiên phải kể đến năng lực lao động. Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì năng lực lao động của Việt Nam còn thấp.

Tiếp theo là vấn đề môi trường. Tăng trưởng ổn định là tăng trưởng mà trong đó người dân có nhiều công ăn việc làm, đời sống được tăng tiến và môi trường trong sạch hơn. Với mức thu nhập 2.580 USD/1 năm/1 người là khá thấp. Với mức thu nhập bình quân đầu người thấp như thế dĩ nhiên chúng ta phải cải tiến nhiều hơn. Thu nhập thấp đồng nghĩa với chất lượng đời sống người lao động chưa bảo đảm, đặc biệt với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, trong một nền kinh tế đang trên đà phát triển thì môi trường bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng ta thấy rõ ràng rằng còn tồn tại nhiều hạn chế về các vấn đề như môi trường tại các vùng ven biển, vùng đô thị lớn, vấn đề hạ tầng cơ sở, ngập lụt tại các đô thị. Đó là những yếu tố ảnh hưởng thực chất tới tăng trưởng kinh tế.

Thưa ông, trên trường quốc tế, việc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam còn tương đối thấp. Vậy ông đưa ra lời khuyên như thế nào nhằm cải thiện vấn đề này trong năm 2019?

Nói rộng ra một chút, theo nghiên cứu về mức độ cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới thì năm nay chúng ta bị tụt hạng (năm 2018 - hạng 74; Năm 2017 - hạng 77), đó là điều chúng ta cần lưu tâm.

Ngoài ra, việc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng vẫn ở mức thấp. Nghĩa là điểm tín nhiệm của Việt Nam vẫn còn đang ở hạng “không khuyến khích đầu tư” và mang tính đầu cơ. Do vậy, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam phải thoát khỏi vùng "không khuyến khích đầu tư" và tiến vào vùng "khuyến khích đầu tư". Theo tôi, đó là những thách thức mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua nếu muốn khẳng định mình trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!