Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Khoản 5 Điều 6 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế có quy định: “Cơ quan chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thuế cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc của cá nhân một lần trong năm chậm nhất là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm”.
Cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công và lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Trường hợp Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam (trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng và rời Việt Nam trong năm tính thuế).
Nếu trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.
Về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, Thông tư quy định, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu đã đăng ký thuế và được cấp mã số nếu. Nếu người nộp thuế chưa có mã số thuế thì không được giảm trừ cho người phụ thuộc.
Đồng thời, khi đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể ngày khi đăng ký.
Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh được quy định như sau:
Giảm trừ cho người Bản thân người nộp thuế: 9 triệu đồng/ tháng; 108 triệu đồng/ năm;
Giảm trừ cho người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng/ tháng/mỗi người phụ thuộc.
Các khoản giảm trừ trên là số tiền được trừ trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.