Nhiều biện pháp mạnh xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phối hợp công tác đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế diễn ra tại Đà Nẵng ngày 1/6, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, sẽ có nhiều biện pháp mạnh để xử lý doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật về thuế.
Theo bà Hải, bên cạnh việc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh để thống nhất một mã số đối với hộ kinh doanh và hợp tác xã, hai bên cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý DN có hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, pháp luật thuế.
“Đối với DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, cơ quan thuế đã có thông báo nhưng không làm thủ tục ngừng hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét, bổ sung quy định cụ thể hơn về việc giải trình và gửi báo cáo của người đại diện theo pháp luật với cơ quan đăng ký kinh doanh, khi thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN đối với các DN có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tránh việc DN hợp thức hóa bằng cách chỉ gửi báo cáo hoặc có văn bản giải trình là cơ quan đăng ký kinh doanh phải chấp nhận mà không thể thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN”, bà Hải nói.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đề xuất, cơ quan đăng ký kinh doanh cần có đề nghị thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP đối với các hồ sơ giải thể của DN gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế theo thông tin cơ quan thuế cung cấp.
Ngoài việc tăng cường phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về thuế, cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cùng nhau tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chia sẻ thông tin và phối hợp công tác giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, nhằm quản lý DN trong thành lập theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đó là: Tạo thuận lợi nhất cho DN thành lập, khởi nghiệp, đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với chủ DN đang có hành vi vi phạm pháp luật nhưng thành lập DN mới.
Một trong những nội dung được bàn thảo tại hội nghị, đó là đề xuất hướng quản lý đối với hộ kinh doanh và hợp tác xã. Cụ thể là hoàn thiện khung pháp lý của hộ kinh doanh và hợp tác xã, tổ hợp tác để tiến tới thực hiện thống nhất mã số thuế và mã số đăng ký kinh doanh như mã số của DN.
“Nếu làm được như vậy sẽ tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, hợp tác xã sử dụng thống nhất một mã số định danh trong các giao dịch giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác”, bà Hải nói.