Cải cách thủ tục hành chính thuế:
Niềm tin của doanh nghiệp đã tăng lên
(Taichinh) - Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với phóng viên xung quanh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà cho DN trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Cải cách hành chính thuế - bước đột phá
Với tư cách là người đại diện cho cộng đồng DN, ông Lộc cho biết, cải cách TTHC là bước đột phá trong cải cách thể chế kinh tế của nước ta. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình thúc đẩy cải cách, nhưng việc cải cách hành chính mới được thực hiện từ đầu năm 2014 khi Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra yêu cầu thời gian thực hiện các TTHC với DN của Việt Nam phải ngang bằng 4 hoặc 6 nước ASEAN tiên tiến nhất.
Theo đó, Bộ Tài chính trực tiếp là Tổng cục Thuế đã tiên phong với nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ trong cắt giảm TTHC. Nếu như cách đây khoảng 2 năm, thời gian thực hiện thủ tục thuế lên tới 873 giờ thì nay đã giảm xuống còn 171, tiến tới còn 141 giờ. Ngành điện cũng thực hiện hóa nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi đã giảm thời gian tiếp cận điện năng xuống còn khoảng 41 giờ so với 120 giờ trước đây...
Với tốc độ triển khai cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các bộ ngành, ông Lộc tin rằng, mục tiêu ngang bằng trung bình với các nước ASEAN của Việt Nam hoàn toàn đạt được. “Các DN trong và ngoài nước, các đoàn nghiên cứu, khảo sát của nước ngoài khi làm việc với VCCI đều thể hiện sự phấn khởi và niềm tin vào môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Vì thế, tôi tin rằng với quyết tâm của Chính phủ cộng với động thái ký kết một loạt các hiệp định tự do thương mại (FTA) thì cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam sẽ được cải thiện rõ rệt”, ông Lộc nhấn mạnh.
Phát triển mô hình hợp tác công - tư trong quản lý thuế
Bên cạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều kết quả mà thước đo cụ thể nhất chính là niềm tin, sự đánh giá cao của DN đối với các cơ quan thuế, ông Lộc vẫn tỏ ra lo lắng, nhất là đối với việc thực thi các chính sách ở cấp cơ sở của đội ngũ CBCC. Nhận định đây là thành phần quyết định thành công của các cơ chế, chính sách được đưa ra bởi các bộ, ngành cũng như chương trình hành động của Chính phủ, ông Lộc cho rằng, cần tạo ra áp lực để bộ máy ở cơ sở chuyển động theo chương trình của Chính phủ bằng việc tăng cường vai trò giám sát của người dân và DN.
Thậm chí là điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của DN với các cơ quan công quyền do VCCI và các hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội tiến hành độc lập. Việc điều tra sẽ tạo áp lực trong đồng lòng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tránh tình trạng “nóng trên, lạnh dưới”.
Cùng với đó, ngành thuế cũng cần thường xuyên tổ chức đối thoại với DN về các cơ chế, chính sách mới, kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN. “Tăng cường trách nhiệm, năng lực, tận tâm của cán bộ cơ sở dưới sự giám sát chặt chẽ của DN và người dân sẽ là giải pháp đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách TTHC, cải cách thể chế” - ông Lộc nói.
Để giải quyết gốc rễ vấn đề ông Lộc hiến kế, nhất thiết ngành thuế phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các giao dịch như khai thuế, nộp thuế điện tử không chỉ thông qua máy tính mà còn trên cả mobile. Muốn vậy, cần tạo điều kiện cho mạng lưới tư vấn khai thuế phát triển, mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong quản lý thuế.
Riêng với các DN, ông Lộc đưa ra lời khuyên, các DN vừa và nhỏ nên thực hiện khai, nộp thuế điện tử thông qua dịch vụ tư vấn, mặc dù chỉ phải trả một chi phí nhỏ, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cũng như dần chuẩn hóa được các nghiệp vụ kế toán thuế tại đơn vị. Đây chính là giải pháp mang lại nhiều lợi ích mà DN có thể thực hiện được ngay.