Phát huy hiệu quả kiểm tra, giám sát chất lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia

Văn Trường (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước - DTNN) cho biết, việc kiểm tra, giám sát chất lượng gạo vừa qua đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan việc chấp hành các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quản lý chất lượng gạo nhập kho tại các Cục DTNN khu vực.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những nội dung kiểm tra, giám sát chất lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2024 được Đoàn kiểm tra, giám sát của Tổng cục DTNN tiến hành tại các cục DTNN khu vực?

Ông Phạm Việt Hà: Thực hiện các quyết định của Tổng cục DTNN về kiểm tra chất lượng gạo nhập kho DTQG năm 2024 tại các Cục DTNN khu vực, theo kế hoạch, các đoàn kiểm tra, giám sát của Tổng cục DTNN đã tiến hành kiểm tra tập trung vào các nội dung sau:

Một là, kiểm tra danh mục hồ sơ, tài liệu và tính hợp lệ của tài liệu liên quan đến gạo nhập kho DTQG, gồm: Giấy xác nhận chứng nhận chất lượng gạo hoặc Chứng thư giám định; Phiếu kiểm tra chất lượng gạo nhập kho đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với gạo DTQG và Văn bản số 514/TCDT-KHCNBQ ngày 25/4/2024 của Tổng cục DTNN hướng dẫn công tác quản lý chất lượng gạo nhập kho DTQG.

Ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ. 
Ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ. 

Hai là, kiểm tra trang bị máy móc, thiết bị phục vụ việc thử nghiệm chỉ tiêu chất lượng gạo; công tác kiểm định máy móc, thiết bị theo quy định tại Công văn số 767/TCDT-KHCNBQ ngày 24/3/2022 và Công văn số 1066/TCDT-KHCNBQ ngày 13/7/2023 của Tổng cục DTNN về kiểm định hiệu chuẩn thiết bị đo lường và sửa chữa máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác nhập, xuất bảo quản hàng DTQG.

Tại các Cục DTNN khu vực, Đoàn kiểm tra, giám sát đã tiến hành kiểm đếm số lượng máy móc, trang bị với sổ sách theo dõi, kiểm tra tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị, kiểm tra tem kiểm định và rà soát thông tin trên giấy chứng nhận kiểm định đối chiếu với máy móc, thiết bị.

Ba là, kiểm tra việc kê lót, sắp xếp lô gạo tại các điểm kho theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với gạo DTQG.

Bốn là, giám sát cán bộ kỹ thuật hoặc công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra chất lượng gạo nhập kho thực hiện quy trình lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng gạo trên phương tiện vận chuyển các lô gạo tại cửa kho đang nhập; lấy mẫu gạo, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng gạo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trường hợp kết quả thử nghiệm tại thời điểm Đoàn kiểm tra, giám sát làm việc khác biệt với kết quả thử nghiệm của đơn vị đã kiểm tra trước khi nhập kho, Đoàn kiểm tra, giám sát yêu cầu đơn vị dừng nhập kho, làm rõ nguyên nhân và kiểm tra lại toàn bộ số lượng gạo đã nhập kho, bảo đảm chất lượng gạo nhập kho DTQG theo đúng quy định.

Phóng viên: Đến nay, kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng gạo nhập kho DTQG năm 2024 tại các Cục DTNN khu vực thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Việt Hà: Đến nay, Đoàn kiểm tra, giám sát của Tổng cục DTNN đã hoàn thành việc kiểm tra, giám sát tại 12 cục DTNN khu vực theo kế hoạch, gồm: Hà Nam Ninh, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Bắc, Thái Bình, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghệ Tĩnh, Hà Nội, Hải Hưng.

Quá trình thực hiện kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan tới chất lượng gạo nhập kho tại các điểm kho của 12 cục DTNN khu vực, các chứng thư giám định và phiếu kết quả thử nghiệm an toàn thực phẩm đảm bảo theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với gạo DTQG.

Qua kiểm tra, giám sát chất lượng gạo tại các điểm kho cho thấy, gạo có màu trắng, không bị biến màu, có mùi thơm, không có tạp chất lạ, gạo không bị nấm mốc, không có côn trùng sống và sinh vật hại nhìn thấy bằng mắt thường. Việc kê lót, xếp bao ngay ngắn, thẳng hàng, khoảng cách với trần, tường, khoảng cách giữa các lô đảm bảo quy định.

Tại mỗi chi cục DTNN được kiểm tra, giám sát, Đoàn kiểm tra, giám sát của Tổng cục DTNN đều lập các biên bản kiểm tra, giám sát có đánh giá, nhận xét cụ thể về từng nội dung việc thực hiện quản lý chất lượng gạo nhập kho DTQG của mỗi đơn vị.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành DTNN trong quản lý chất lượng gạo DTQG. Ảnh: Văn Trường.
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành DTNN trong quản lý chất lượng gạo DTQG. Ảnh: Văn Trường.

Như vậy, có thể khẳng định, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Tổng cục DTNN tại 12 cục DTNN khu vực đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan việc chấp hành các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quản lý chất lượng gạo nhập kho dự trữ; đồng thời, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành DTNN trong thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng gạo DTQG.

Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất lượng gạo DTQG, thì cần tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phạm Việt Hà: Để tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất lượng gạo DTQG, thời gian tới các Cục DTNN khu vực cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quan tâm xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung đội ngũ kỹ thuật viên, thủ kho bảo quản hàng DTQG để đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ kỹ thuật viên, thủ kho bảo quản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quản lý chất lượng hàng nhập kho DTQG.

Ba là, tăng cường đào tạo, hướng dẫn đội ngũ kỹ thuật viên, thủ kho thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng hàng nhập kho DTQG đảm bảo theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng hàng nhập kho DTQG và bảo quản hàng trong thời hạn lưu kho; đảm bảo hàng DTQG nhập kho, lưu kho, xuất kho an toàn tuyệt đối, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định, sẵn sàng xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!