Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Phát huy vai trò của công phiếu, tín phiếu để phục vụ kháng chiến chống Pháp

PV. (T/h)

Nhằm huy động số tiền nhàn rỗi trong nhân dân để đưa ra phục vụ sản xuất và chiến đấu, Chính phủ đã chỉ đạo phát hành công phiếu, tín phiếu kháng chiến các loại mệnh giá. Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong bối cảnh năm 1947 tình hình kinh tế - tài chính gặp nhiều khó khăn.

Người dân hăng hái tham gia mua Công trái Quốc gia. Ảnh: Tư liệu
Người dân hăng hái tham gia mua Công trái Quốc gia. Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình khó khăn của kinh tế - tài chính, Chính phủ xét thấy cần có biện pháp tăng cường việc thu hồi bớt tiền Việt Nam về, cùng với việc tích cực thi hành các chế độ thuế. Theo tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo phát hành công phiếu kháng chiến để vừa củng cố giá trị đồng tiền Việt Nam, đồng thời hạn chế lạm phát.

Theo Sắc lệnh số 160/SL ngày 5/4/1948 và Nghị định số 43/BTC-BT ngày 24/4/1948 của Bộ Tài chính về thể lệ công phiếu kháng chiến đã được thực hiện lúc bấy giờ, tổng số công phiếu phát hành là 500 triệu đồng với lãi suất 3%, thời hạn hoàn lại vốn sau 5 năm và có 4 loại công phiếu sau: Loại A: 200 đồng - phiếu vô danh; Loại B: 1.000 đồng - phiếu ký danh; Loại C: 5.000 đồng - phiếu ký danh; Loại D: 10.000 đồng - phiếu ký danh.

Mục đích của việc phát hành công phiếu kháng chiến là nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong Nhân dân để đưa ra phục vụ sản xuất và chiến đấu; đồng thời, sử dụng công phiếu kháng chiến để dự trữ.

Trong trường hợp địa phương không nhận được tiền tiếp tế kịp thời của Trung ương, thì Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương có thể ban bố lệnh “cưỡng chế” lưu hành công phiếu và công phiếu kháng chiến sẽ có giá trị như giấy bạc theo giá ghi trên phiếu, khi hết thời gian “cưỡng chế” (địa phương nhận được tiền) sẽ rút phiếu về.

Bên cạnh đó, công phiếu kháng chiến có thể dùng để mua bán, trang trải nợ nần trong dân chúng nếu hai bên thỏa thuận. Kết quả là Nhà nước đã thu được 201.937.600 đồng (từ 1948 đến 1950), chiếm khoảng 2/5 tổng số phiếu phát hành. Cụ thể: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bán được 96,254 triệu đồng trong số 300 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 32%; Nam Trung Bộ bán được 102,737 triệu đồng trong số 100 triệu đồng, đạt tỷ lệ 102%; Nam Bộ bán được 5 triệu đồng trong số 100 triệu đồng, chiếm tỷ lệ ít nhất 5%.

Tuy nhiên, do việc phân phối công phiếu chưa sát vào giá trị tiền tệ chênh lệch giữa khu vực này và khu vực khác nên chưa khai thác đúng khả năng của mỗi khu vực phát hành.

Bên cạnh đó, do không xác định rõ mục đích, yêu cầu của công phiếu kháng chiến nên nhiều địa phương nặng về tính chất dự trữ khi chưa gặp khó khăn về tài chính thì chưa tích cực phát hành công phiếu. Đến cuối năm 1948, khi có chủ trương bán mạnh công phiếu kháng chiến để giảm bớt sức ép của lạm phát thì việc tuyên truyền giải thích lại kém, tổ chức phát hành một cách lẻ tẻ, rời rạc, kéo dài suốt cả năm 1949, thời kỳ tiền đang sụt giá nhanh nên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng...

Đến năm 1950, trên tinh thần tổng động viên và rút kinh nghiệm từ công phiếu kháng chiến, Chính phủ đã chỉ đạo phát hành công trái quốc gia ghi bằng thóc, để đảm bảo giá trị số tiền cho vay. Tổng số phát hành là 100.000 tấn thóc, lãi suất 3%, thời hạn hoàn vốn 5 năm. Nhờ kế hoạch phát hành chi tiết, việc tuyên truyền cổ động được sâu rộng nên công trái quốc gia bán được nhanh hơn, nhưng kết quả cũng chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch dự tính.

Bên cạnh huy động tiền nhàn rỗi trong Nhân dân từ công phiếu, Chính phủ có chủ trương phát hành tín phiếu kháng chiến. Năm 1947, tình hình giao thông giữa các miền bị địch chia cắt, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên việc vận chuyển Giấy bạc Tài chính được in ở Bắc Bộ vào miền Trung phát hành gặp khó khăn khiến ngân sách để chi tiêu và lưu thông hàng hóa không còn thuận lợi như trước. Bên cạnh đó, thời điểm này, quân địch cũng tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để phá hoại đồng tiền Tài chính nhằm làm suy yếu nền kinh tế -  tài chính tiền tệ ở miền Trung.

Trước tình hình đó, ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 231/SL cho phép phát hành tín phiếu tại Nam Trung Bộ với tổng giá trị không quá 100 triệu đồng được chia thành 7 loại: 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và 500 đồng. Xưởng in tín phiếu đặt tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, sau đó chuyển về Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Việc phát hành tín phiếu tại Nam Trung Bộ đã tăng thêm nguồn lực tài chính cho Ủy ban Kháng chiến hành chính các tỉnh trong khu vực, để chi cho các nhu cầu phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời giúp phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp...

Tại Nam Bộ, ngày 1/11/1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã ký Sắc lệnh số 102/SL cho phép phát hành tín phiếu loại 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng và có giá trị như Giấy bạc Tài chính Việt Nam, tổng giá trị phát hành là 20 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy, việc phát hành công phiếu, tín phiếu kháng chiến nhằm huy động tiền nhàn rỗi của nhân dân là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, qua đó có thêm nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).