Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội


Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đây là loại hình doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo việc làm (chiếm khoảng trên 50% lao động trong các doanh nghiệp) và đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách nhà nước.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, cải cách hành chính, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị toàn cầu khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế Thủ đô, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội

Cùng với sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước, thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn Hà Nội cũng không ngừng lớn mạnh. Cụ thể, DNNVV chiếm 97% trên tổng số DN trên địa bàn, tạo ra khoảng 60% việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Các DNNVV trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu vào một số ngành như: Bán buôn, bán lẻ (25%); công nghiệp (17%); công nghệ thông tin truyền thông (16%); xây dựng (15%)…

Theo số liệu thống kê trong năm 2020, Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 26.578 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 303.646 DN. Số DN hoạt động trở lại là 6.298 DN (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019).

Năm 2021, TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 24,1 nghìn DN, giảm 9% so với năm 2020; tổng số vốn đăng ký mới đạt 345,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,1 nghìn DN, tăng 22%; có 13,1 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29%; 10,9 nghìn DN trở lại hoạt động, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 7 tháng năm 2022, Hà Nội có 17.200 DN đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt trên 196.000 tỷ đồng, giảm 4%; thực hiện thủ tục giải thể cho 2.200 DN, tăng 10%; 12.400 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 47%; 7.300 DN hoạt động trở lại, tăng 11%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng đạt 100%.

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của TP. Hà Nội tăng 7,79% (trong đó riêng quý II tăng là 9,49%). Cùng với sự phát triển đó, Hà Nội đã có Đề án phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) và trên 30% ngân sách Thành phố.

Trong thực tế, DNNVV trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như: Quy mô DN nhỏ, thiếu vốn, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược, phát triển dài hơi, bền vững, hạn chế về công nghệ, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn bất cập...

 Một số đề xuất, kiến nghị

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của DNNVV đối với phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội, cần quan tâm triển khai các nhóm giải pháp sau:

Về phía Chính phủ

Hoàn thiện thể chế, chính sách, về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, tạo thuận lợi tối đa cho các DN khi tham gia vào thị trường trong nước và nước ngoài.

Phát triển đa dạng các thị trường tài chính và thị trường chứng khoán để hỗ trợ cho DN huy động vốn trên thị trường chứng khoán, vay vốn trên thị trường trái phiếu DN. Đồng thời, hỗ trợ DNNVV bằng cách giải đáp các vấn đề vướng mắc về luật pháp, đăng ký kinh doanh; nghiên cứu mở thêm hoạt động tư vấn kinh doanh cho DN hoặc thành lập riêng một cơ quan chuyên trách giúp cho sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.

Hoàn thiện khung pháp lý và phạm vi hỗ trợ DNNVV phát triển trong nước, hội nhập quốc tế; hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật cho DN Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; đẩy mạnh hình thành nhóm DN Việt Nam; cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; tổ chức thực hiện các chương trình liên quan đến sự phát triển DN Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong việc cải cách thuế quan, cắt giảm các thủ tục đăng ký DN cùng với các “chi phí không chính thức”. Các bộ, ngành cần giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết với DNNVV, nhất là phải quyết liệt trong công tác xóa bỏ tham nhũng, nhũng nhiễu DN.

Có cơ chế giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DNNVV giải quyết bài toán tạo việc làm cho xã hội, với quy định cụ thể về sử dụng phần ưu đãi thuế thu nhập DN đó để tái đầu tư, tạo công ăn việc làm mới. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV được tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ…).

Xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về DN hoạt động cùng ngành hàng về thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ… Phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.

Theo đó, cần nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội nhằm hỗ trợ DNNVV và tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội. Mặt khác, tăng cường tiếp nhận các phản hồi, ý kiến, nhu cầu từ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của DNNVV để giúp DN hoàn thiện trong hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng thông qua các giải pháp như:

Nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm kinh doanh của DN đối với người tiêu dùng; cân bằng lợi ích của thương nhân và người tiêu dùng.

Về phía UBND TP. Hà Nội

Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các DNNVV để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Sự liên kết và hợp tác DN cần được thực hiện thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp.

Điều quan trọng nhất là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết, chỉ như vậy mới thực sự phát huy hiệu quả của liên kết hợp tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ DN trong nền kinh tế, nhằm cải thiện năng lực cạch tranh quốc gia và hiệu quả hội nhập quốc tế.

 Ví dụ như: Thành lập các hiệp hội, tạo điều kiện cũng như môi trường cho các hiệp hội được hoạt động có hiệu quả. Có kế hoạch cụ thể để DNNVV thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ quản trị hiện đại, đổi mới sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; tham gia chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu.

Tăng cường nâng cao chất lượng về nhân lực để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sản xuất kinh doanh trước mắt và lâu dài, bằng cách: đảm bảo về quy mô, cơ cấu theo ngành nghề, giới tính, độ tuổi sao cho phù hợp, thực hiện phân công lao động hợp lý, luôn tính đến hiệu quả công việc, sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia vào nền kinh tế số - nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số.

Cần hỗ trợ DN phân tích kết quả và hiệu quả kinh doanh của các DN để thấy được điểm mạnh, điểm yếu ở từng khâu, từng bộ phận, từ đó đề ra kế hoạch và các giải pháp để phát triển tốt hơn. Về tài chính, cần hỗ trợ DN thực hiện tốt việc thu hút vốn và phát triển vốn, muốn vậy phải thực hiện hạch toán kế toán theo những nguyên tắc chuẩn mực hiện hành, tăng cường kiểm soát nội bộ, thực hiện kiểm toán độc lập, để ngăn ngừa sai phạm để đưa đồng vốn sử dụng có hiệu quả.

Bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội cần hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nghiên cứu cấp bảo lãnh tín dụng và đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tăng cường năng lực của chủ DN, giám đốc và cán bộ quản lý DN về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược. Trong mọi điều kiện, doanh nhân cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo DN có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận kinh tế tri thức.

Đặc biệt, chú trọng đến chiến lược cạnh tranh và những kỹ năng mang tính chiến lược, như quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, tính nhạy cảm trong quản lý, phân tích kinh doanh, dự báo và định hướng chiến lược phát triển bằng cách mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho DNNVV. Mỗi DNNVV cần nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi DN cũng là một giải pháp mà các DNNVV có thể thực hiện được và tạo ra những kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, DN cần có chiến lược phát triển thông qua các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động cụ thể. Một giải pháp khác là xây dựng tầm nhìn trong sự phát triển của DN bằng cách xác định rõ các vấn đề về kinh tế, khách hàng, sự cạnh tranh, định hướng tương lai, triển vọng của DN, tính chuyên môn hóa cao trong tiếp xúc với khách hàng, uy tín, thương hiệu và giá trị cốt lõi mà mỗi DN cung cấp cho thị trường, xã hội...

Để hạn chế tối đa các thất bại như buộc phải giải thể, tự giải thể, tình trạng kinh doanh bị trì trệ, tạm ngừng hoạt động, các DNNVV cần phải xác định được phạm vi và đối tượng hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực, loại hình hoạt động, các DNNVV cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh.

Chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi DN. Mặt khác, mỗi DN cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển như: Các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh...

Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm DN kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh.

Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để nâng cao năng lực cạnh tranh, DNNVV cần tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các DN...

Đây chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DNNVV trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường. Hiểu về đối thủ và cân bằng hài hòa được các lợi ích với đối thủ trong kinh doanh sẽ tạo những cơ hội phát triển ổn định cho các DNNVV.

Điều đó đồng nghĩa rằng, các DNNVV cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các DN lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, các DNNVV cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị DN, quản lý rủi ro.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Luật số 04/2017/QH14, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

2. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

3. Thông tư số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

4. http://www.hapi.gov.vn/vi-VN/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-tren[1]dia-ban-thanh-pho-ha-noi;

5. http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doanh-nghiep/999867/ha-noi[1]day-manh-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua.

*Theo TS. Nguyễn Sơn Lam - Học viện Tài chính.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.