Quản lý rủi ro trong quản lý thuế và kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. BÙI THÁI QUANG - Tổng cục Hải quan

Quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế đã được một số nước trên thế giới triển khai thực hiện ở nhiều khía cạnh, nội dung chuyên môn nghiệp vụ mang tính kỹ thuật, nhằm kiểm soát hữu hiệu tình trạng trốn thuế của người nộp thuế. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế của một số nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm từ một số nước

Thụy Điển

Cơ quan quản lý thuế Thụy Điển đã triển khai áp dụng 4 mô hình chiến lược kiểm toán khác nhau: (1) Chiến lược “Bắt giữ được các vụ trốn lậu thuế lớn”; (2) Chiến lược “ngăn chặn các trường hợp trốn thuế mới”; (3) Chiến lược “Tạo hiệu quả ngăn ngừa cá nhân tốt hơn thông qua kiểm toán”; (4) Chiến lược “Tạo hiệu quả ngăn ngừa chung tốt hơn bằng cách kiểm toán các lĩnh vực “phù hợp”.

Cụ thể, tại chiến lược 1 “bắt giữ được các vụ trốn lậu thuế lớn”, tức là bắt giữ được các trường hợp trốn thuế với số tiền lớn. Chiến lược này không được triển khai thực hiện thường xuyên, mà được chuẩn bị kỹ lưỡng, có khi vài năm mới bắt được -2 vụ vi phạm trốn thuế với số tiền lớn. Để thực hiện chiến lược này đạt hiệu quả cao, hàng năm nước này phải huy động một đội ngũ chuyên gia tinh nhuệ cùng tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Chiến lược thứ hai là “ngăn chặn các trường hợp trốn thuế mới” vi phạm, nghĩa là những trường hợp doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân mới vi phạm lần đầu cần được kiểm toán kể cả khi lượng trốn thuế ít.

Chiến lược thứ ba là “tạo hiệu quả ngăn ngừa cá nhân tốt hơn thông qua kiểm toán”. Điều này có nghĩa là những đối tượng nộp thuế đã được kiểm toán trong quá khứ khi phát hiện có hành vi trốn thuế, cần phải được kiểm toán lại. Để triển khai chiến lược này cần sự phối hợp với các đối tượng nộp thuế. Ý tưởng này xuất phát từ logic cho rằng một đối tượng nộp thuế đã được kiểm toán sẽ dễ thay đổi hành vi của mình hơn nếu biết rằng mỗi lần bị phát hiện sẽ dẫn tới nguy cơ bị kiểm toán lớn hơn trong tương lai.

Chiến lược thứ tư là để “tạo hiệu quả ngăn ngừa chung tốt hơn bằng cách kiểm toán các lĩnh vực “phù hợp” theo người dân”. Ví dụ: Xác định các đối tượng nộp thuế đang trốn thuế trong khi lại tạo ra phúc lợi xã hội. Số vụ kiểm toán không cần lớn nhưng cần tập trung vào các khu vực mà người dân cho rằng việc trốn thuế là không công bằng và tác động tiêu cực đến lòng tin của người dân, DN vào cơ quan thuế.

Bên cạnh các chiến lược kiểm toán của cơ quan quản lý thuế, Thụy Điển còn triển khai thực hiện biện pháp gửi thư cho đối tượng nộp thuế. Mục đích của những bức thư này là nhằm thông báo cho đối tượng nộp thuế nắm bắt được những văn bản chính sách mới hoặc nhận được thông báo có thể trong diện bị cơ quan thuế kiểm toán. Quan trọng hơn là, những bức thứ này còn tác động đến hành vi của các đối tượng nộp thuế khiến họ khai báo mức thu nhập với cơ quan thuế chính xác hơn.

Italia

Không giống với biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế của Thụy Điển, Italia đã tập trung vào phân tích rủi ro đối với mã số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các đối tượng nộp thuế mới. Phòng Nghiên cứu và phân tích của Cơ quan thuế Italia đã triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm quản lý đối tượng nộp thuế để tránh tình trạng gian lận thuế GTGT. Phần mềm này sẽ tự động xử lý các dữ liệu cá nhân, thông tin về thu nhập và tài sản của các đối tượng nộp thuế hoặc trên danh nghĩa cá nhân hoặc đại diện cho một công ty, các đối tượng này phải có một mã số thuế GTGT mới.

Tất cả các mã số thuế GTGT đều được phân tích chứ không chỉ riêng những trường hợp liên quan tới lĩnh vực hoạt động có rủi ro. Căn cứ vào các thông tin do cơ quan xử lý gian lận thuế GTGT nội địa cung cấp, mỗi thông tin được chấm một điểm số đánh giá rủi ro. Một số nhân tố liên quan tới mã số thuế GTGT mới (ví dụ: xác minh giữa địa điểm kinh doanh và nơi ở của chủ DN/người đại diện, trong vòng 3 năm gần nhất thay đổi nơi cư trú nhiều hơn 2 lần…). Một số nhân tố lại chỉ ra mã số thuế GTGT đã có trước đó (ví dụ các đối tượng nộp thuế GTGT, các khoản hoàn thuế GTGT, không nộp thuế GTGT trong vòng 5 năm gần nhất…). Điểm số rủi ro cuối cùng, được tính từ tổng điểm của 16 nhân tố rủi ro được phân cho đối tượng nộp thuế và là một chỉ số rủi ro quan trọng.

Kết thúc chu trình, ứng dụng này sẽ đưa ra một danh sách gồm toàn bộ các mã số thuế GTGT mới của đối tượng nộp thuế bằng cách làm giảm điểm số rủi ro. Có thể lựa chọn mã số thuế GTGT bằng cách sử dụng các biến số: (i) lãnh thổ (quốc gia, khu vực, cơ quan thuế nội địa); hoạt động (một hoạt động cụ thể, toàn bộ lĩnh vực...); khoảng thời gian (1 năm, nửa năm, 1 quý, 1 tháng).

Thông qua việc sử dụng phần mềm này, Italia đã phát hiện ra các trường hợp khả nghi trước khi tiến hành bất kỳ hành động kiểm soát nào. Ứng dụng phần mềm này là công cụ nghiên cứu phân tích dành cho các cơ quan thuế ở địa phương, các cơ quan trong khu vực có trách nhiệm kiểm soát, điều phối và đánh giá các kết quả phân tích từ chương trình này.

Hà Lan

Hà Lan liên quan đến mức độ tuân thủ của đối tượng nộp thuế, rủi ro về tài chính và tầm quan trọng về tài chính được chia thành 3 cấp độ “cao”, “trung bình” và “thấp”. 9 loại đã được hoàn tất với hai trường hợp đặc biệt: DN mới thành lập (biết quá ít thông tin để có thể phân tích và phân loại chính xác) và DN đang bị truy tố (có yếu tố gian lận). Hiện nay, Italia đã xác định được 11 mức độ quan tâm khác nhau dựa trên các tiêu chí khách quan.

Tất cả các công ty, DN lớn ở nước này đều được phân loại xếp hạng với mức độ quan tâm khác nhau. Việc phân loại rủi ro tài chính dựa trên 13 tiêu chí, bao gồm:

1. Năm DN thành lập.

2. Rủi ro khu vực.

3. Sự phức tạp về thuế có liên quan tới số lượng công ty đang tồn tại.

4. Việc thu thuế (thuế thu nhập và thuế DN). Tỷ lệ phần trăm thu nhập khai báo và mức thuế DN phải nộp được thu theo số tiền ấn định tạm thời ngay trong năm nộp thuế.

5. Định kỳ khai báo thu nhập đóng thuế trong 12 tháng gần nhất.

6. Chính thức ấn định thuế sau năm cuối cùng.

7. Phụ thu thêm thuế GTGT trong năm dương lịch cuối cùng.

8. Chất lượng quản lý.

9. Hiệu chỉnh những số liệu quan trọng về thu nhập chịu thuế trong vòng 5 năm gần nhất.

10. Hiệu chỉnh về kỹ thuật – tài chính trong vòng 5 năm cuối.

11. Gian lận.

12. Kỳ hạn nộp thuế (không liên quan đến nguồn lực).

13. Hội đàm sơ bộ.

Với các tiêu chí trên, mỗi tiêu chí ghi được 1 điểm. Điểm tổng sẽ giúp đánh giá xếp loại DN có mức rủi ro thấp, trung bình hay cao. Điểm số của DN càng lớn thì xếp ở mức cao. Tầm quan trọng của tài chính được căn cứ trên khai báo hàng năm về 4 loại thuế chính: thuế lợi tức của công ty; thuế thu nhập; thuế GTGT; thuế tiền lương. Sau khi tổng hợp các tờ khai sẽ đánh giá DN có tầm quan trọng thấp, trung bình hay cao. Kết quả càng cao thì được đánh giá càng cao...

Bài học cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý rủi ro trong quản lý thuế của một số nước ở trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, về các kế hoạch kiểm toán thuế: Thực tế khi áp dụng vào Việt Nam, cách gọi của chúng ta đối với các “chiến lược” này thường là các “kế hoạch” hoặc “phương thức” thực hiện cho đơn giản và dễ hiểu không nhầm lẫn. Chúng ta nghiên cứu có thể lần lượt đều áp dụng các kế hoạch này hoặc linh hoạt tùy vào thời điểm, khu vực, lĩnh vực hoặc đối tượng quản lý thuế mà áp dụng cho hiệu quả.

Thứ hai, việc thông báo các nội dung về chính sách và kết quả các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý thuế đã được áp dụng tại Việt Nam, tuy nhiên chúng ta chưa làm bài bản theo cụm đối tượng, khu vực mà còn vụ việc nhỏ lẻ hoặc cho số đông bằng các hoạt động chung như hội thảo, hội nghị DN, khách hàng ở từng khu vực, đơn vị hành chính các cấp; Để phục vụ, “chăm sóc” từng đối tượng cụ thể một cách khoa học, minh bạch, bài bản thì chưa làm được. Việc gửi thư theo cách làm của Thụy Điển chưa được thực hiện ở Việt Nam, tới đây nên áp dụng vào thực tiễn ở nước ta sẽ có hiệu quả tốt.

Thứ ba, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý lĩnh vực quản lý nguồn thu là một yêu cầu cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính khẳng định. Tuy nhiên, cần tiếp tục đi sâu và đưa công nghệ vào từng nội dung cụ thể của công tác quản lý, mà ở đây là các mã số thuế GTGT.

Thuế GTGT là một sắc thuế quan trọng và nguồn thu lớn của ngân sách, do vậy, cần tập trung nguồn lực và nghiên cứu tiếp thu công nghệ quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới là hướng đi đúng và hiệu quả của cơ quan quản lý thuế trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, cơ quan quản lý thuế phải luôn chủ động và linh hoạt với việc áp dụng công nghệ thông tin để xử lý mọi thông tin có liên quan đến người nộp thuế xuất hiện được đánh giá là có mức độ rủi ro từ nhỏ đến lớn trong một thời gian hạn định được theo dõi cập nhật trên hệ thống. Nguyên tắc quản lý thuế được đưa ra là không thể để việc “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tất cả các thông tin liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nộp thuế và các mối quan hệ nhằng nhịt, đan xen đều được thu thập, cập nhật và phân tích sớm nhất để cơ quan quản lý thuế các cấp có định hướng chủ động và sớm có các biện pháp quản lý hiệu quả và kịp thời.

Thứ năm, trong công tác quản lý thuế trước đây của cơ quan Hải quan và cơ quan thuế Việt Nam chúng ta đều áp dụng cách quản lý hành chính, mệnh lệnh và trên cơ sở thu thập tìm tòi những dấu hiệu, chứng cứ vi phạm của người nộp thuế để xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, với số lượng khoảng hơn 500 ngàn doanh nghiệp có mã số thuế, trong đó chiếm đến hơn 115 ngàn doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thì không có một cơ quan quản lý thuế nào có đủ nguồn lực và kỹ thuật để quản lý, theo dõi một cách thủ công để phát hiện ra các lỗi vi phạm của người nộp thuế để bắt lỗi. do vậy, nguyên tắc quản lý hiện đại và khoa học là phải áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế với các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ đi kèm là thực hiện quản lý tuân thủ doanh nghiệp trên cơ sở phân tích, đánh giá và xếp hạng để quản lý cho khoa học và hiệu quả như cơ quan quản lý Thuế Italia đang làm.

Ngoài ra, hiện nay, ngành Tài chính Việt Nam đang chỉ đạo cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan xây dựng các cơ sở dữ liệu về rủi ro ở mỗi ngành. Thực tế ngành Hải quan đã có chương trình quản lý rủi ro được gọi tên là RiskMan đang ở phiên bản 2.0 được xây dựng và ứng dụng từ năm 2006. Chương trình này được các chuyên gia JICA Nhật bản đánh giá rất cao, tính thực tế và hiệu quả mang lại cho công tác quản lý của ngành Hải quan đã được hàng chục ngàn doanh nghiệp biết đến khi áp dụng thực hiện hải quan điện tử với kết quả giảm chi phí thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về tầm nhìn xa của kế hoạch đến 2030 thì cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro của ngành Tài chính trong đó tích hợp dữ liệu từ cơ quan Thuế, cơ qnan hải quan và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính có liên quan đến phân tích, đánh giá về rủi ro tài chính, ngân sách nói chung. Và đó cũng chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính.