Sigma - phương pháp quản lý hiện đại giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận

Nga Phạm

Với xu hướng quản lý theo phương pháp hiện đại, các công ty tại Việt Nam ngày càng xu hướng đưa chương trình 6 Sigma vào áp dụng nhằm đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh, giảm lãng phí, cũng như thỏa mãn các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

6 Sigma là một phương pháp tiếp cận cải tiến hoạt động kinh doanh dựa trên thống kê.
6 Sigma là một phương pháp tiếp cận cải tiến hoạt động kinh doanh dựa trên thống kê.

Lợi ích thiết thực của 6 Sigma

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) định nghĩa, 6 Sigma là một phương pháp tiếp cận cải tiến hoạt động kinh doanh dựa trên thống kê nhằm tìm kiếm và loại bỏ các khuyết tật và nguyên nhân của chúng từ các quá trình của một tổ chức, tập trung vào kết quả đầu ra quan trọng cho khách hàng.

Phương pháp 6 Sigma mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực có thể thấy ngay sau khi áp dụng. Cụ thể, là giúp giảm chi phí sản xuất; giúp giảm chi phí quản lý; góp phần làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng; giảm thời gian chu kỳ; giúp giao hàng đúng hẹn; giúp mở rộng sản xuất dễ dàng hơn; góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong văn hóa công ty.

Mục đích của 6 Sigma là nâng cao chất lượng của quá trình cho ra thành phẩm bằng cách nhận diện và loại bỏ những nguyên nhân gây lỗi, khuyết tật và giảm thiểu tối đa sự dao động trong sản xuất và hoạt động kinh doanh. Đây là hệ thống các phương pháp quản lý chất lượng, bao gồm các phương pháp thống kê, và tạo ra một nền tảng kiến thức đặc biệt cho những người quản lý trong tổ chức.

Mỗi dự án của một tổ chức áp dụng 6 Sigma theo các bước xác định và phải định lượng ra được các mục tiêu, ví dụ: giảm thời gian sản xuất, mức độ thỏa mãn của khách hàng, giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và/hoặc nâng mức lợi nhuận.

So với các hệ thống quản lý chất lượng khác (TQM, ISO 9000...), 6 Sigma phải đưa ra được một chiến lược và một hệ thống phương pháp cụ thể cho việc cải tiến chất lượng hiệu quả kinh doanh. 6 Sigma không cố quản lý vấn đề, mà cố gắng loại bỏ vấn đề, tìm ra nguyên nhân gốc gây ra vấn đề và giải quyết nó.

Mặt khác, mặc dù 6 Sigma không thể giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức, nhưng lại có thể giải quyết tốt từng vấn đề ở một thời điểm dưới dạng một dự án. Do đó, 6 Sigma cần có những người chuyên biệt, tập trung vào hoàn thành dự án được giao.

Bên cạnh đó, 6 Sigma vẫn hướng tới cải tiến và chuẩn hóa các hoạt động của tổ chức, thế nhưng khi ISO 9000 nhắm tới việc chuẩn hóa quá trình để đạt được chất lượng thỏa mãn yêu cầu của khách hàng và đề cập tới yêu cầu phân tích dữ liệu, khắc phục, phòng ngừa một cách chung chung thì 6 Sigma mô tả một lộ trình cụ thể và các bước rõ ràng để giúp đạt tới sự tiêu chuẩn hóa và cải tiến.

Khi thực hiện 6 Sigma, vấn đề đo lường, phân tích dữ liệu thường được đặc biệt chú trọng, nên giúp nhận biết rõ ràng khu vực có vấn đề và vì vậy các nỗ lực được tập trung trong sự giới hạn về nguồn lực.  Với những ích lợi này, 6 Sigma đã thực sự đã trở thành một phương pháp được các công ty đón nhận rộng rãi.

Thực tiễn triển khai

Câu chuyện của Công ty AlliedSignal là một điển hình thành công về áp dụng 6 Sigma. Nhận thấy 6 Sigma là cách tiếp cận hết sức có giá trị, nên Công ty AlliedSignal đã bắt đầu triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng từ đầu những năm 1990. Đến năm 1999, trung bình hàng năm, Công ty đã tiết kiệm được hơn 600 triệu USD nhờ có việc đào tạo cho toàn bộ đội ngũ nhân viên về triển khai các nguyên tắc ứng dụng 6 Sigma.

Các nhóm dự án 6 Sigma tại AlliedSignal không chỉ áp dụng tại quá trình sản xuất và mang lại kết quả giảm chi phí sửa chữa, làm lại sản phẩm khuyết tật hoặc sai lỗi, mà họ còn áp dụng các nguyên tắc tương tự đối với hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm mới.

Theo đó, giảm thời gian thực hiện thiết kế cho đến khi được phê duyệt từ 42 tháng xuống còn 33 tháng. Công ty đã thông báo những kết quả đạt được sau khi thực hiện 6 Sigma của năm 1998 là năng suất tăng 6% và lợi nhuận ròng là 13%. Bên cạnh đó, thị phần của công ty cũng đã tăng lên một cách đáng kể, mỗi năm tăng 27%.

Từ kết quả này, một loạt các công ty hàng đầu thuộc các ngành khác nhau từ dịch vụ tài chính đến chuyển giao công nghệ cao cũng đã tương đối thành công trong việc thực hiện 6 Sigma như: Federal Express, Johnson& 11 Johnson, Sony, Toshiba, Dupont, Asea Brown Boveri, Black&Decker, Bombardier, Dow Chemical, Navistar, Polaroid, Seagate Technologies, Siebe Appliance Controls hay như Kodak với các khoản tiết kiệm tính đến trước năm 2000 là 85 tỷ USD và rất nhiều công ty khác nữa.  

Tại Việt Nam, một công ty may đã chủ trương đưa chương trình 6 Sigma vào áp dụng nhằm đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường cạnh tranh. Mục tiêu mà công ty này đưa ra khi áp dụng 6 Sigma là nâng cao năng suất lao động; tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm, giảm các hoạt động không tạo ra giá trị; tăng năng lực sản xuất để có thể tiếp nhận được thêm hợp đồng và khách hàng.

Để triển khai áp dụng 6 Sigma, công ty may đã thành lập Ban chỉ đạo làm đầu mối triển khai các hoạt động cụ thể trong khuôn khổ chương trình. Công ty cũng đã thực hiện đánh giá hiện trạng hệ thống và xác định vấn đề; lựa chọn dự án điểm, thực hiện đo lường và phân tích; thực hiện cải tiến và kiểm soát…

Ngoài kết quả định lượng được, dự án 6 Sigma đã đem lại cho công ty một văn hóa cải tiến, trong đó tạo cho các cán bộ quản lý và người lao động có tư duy cải tiến và hỗ trợ các công cụ cải tiến hữu ích như chu trình giải quyết vấn đề, phần mềm xử lý dữ liệu Minitab đã được ứng dụng trong phân tích dữ liệu.

Lãnh đạo công ty này từng chia sẻ, 6 Sigma là một chương trình đổi mới và cải tiến liên tục, vì vậy dự án không dừng lại ở kết quả đạt được sau một năm thực hiện, mà còn là nền tảng cho các hoạt động cải tiến tiếp theo của công ty.