Số liệu thực hiện dự toán NSNN đến hết tháng 11 năm 2015
Đến thời điểm này, có 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm, góp phần vào khoản thu NSNN đến hết tháng 11/2015 đạt khá; ước thu cả năm sẽ đạt và vượt mức đã báo cáo Quốc hội; số thu NSTW cũng khả quan hơn, mức độ giảm thu NSTW khả năng thấp hơn so dự kiến đã báo cáo Quốc hội.
Tổng thu cân đối NSNN
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 11 ước đạt 78,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 860,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, bằng 92,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội (Báo cáo Quốc hội ước thu NSNN cả năm đạt 927,5 nghìn tỷ đồng), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó:
Thu nội địa: Tháng 11 ước đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, bằng 73,5% (tương ứng giảm khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng) so tháng trước (thuế thu nhập doanh nghiệp giảm khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân giảm khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng), chủ yếu do một số sắc thuế và khoản thu ngân sách giảm (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, tiền cổ tức các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) phát sinh quý III đã tập trung kê khai, thu nộp trong tháng 10;
Lũy kế thu 11 tháng đạt 642,7 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán, bằng 93,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội (Báo cáo Quốc hội ước thực hiện thu nội địa cả năm đạt 574,1 nghìn tỷ đồng). Đến nay, 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm; trong đó các khoản đạt khá là: thuế bảo vệ môi trường đạt 185,9% dự toán (Chủ yếu do thực hiện điều chỉnh tăng mức thu từ ngày 1/5/2015 đối với các mặt hàng xăng, dầu theo Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 154,5% dự toán; thu khác ngân sách đạt 154,2% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 143,1% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 127,8% dự toán. Các khoản thu còn lại cũng đạt trên 88% dự toán.
Thu từ dầu thô: Tháng 11 ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 60,57 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán, bằng 99,3% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội (Báo cáo Quốc hội ước thu dầu thô cả năm đạt 61 nghìn tỷ đồng ). Sản lượng dầu thanh toán 11 tháng ước đạt xấp xỉ 15,28 triệu tấn, bằng 103,4% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 57 USD/thùng, giảm 43 USD/thùng so giá dự toán.
Thu cân đối từ hoạt động XNK: Tháng 11 ước đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu đạt 22,5 nghìn tỷ đồng và hoàn thuế GTGT theo quy định là 6 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế 11 tháng ước xấp xỉ 152,3 nghìn tỷ đồng (tổng số thu đạt 231,3 nghìn tỷ đồng, bằng 89% dự toán; hoàn thuế GTGT theo quy định là 79 nghìn tỷ đồng), bằng 87% dự toán và mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội (Báo cáo Quốc hội ước thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cả năm đạt dự toán là 175 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, kết quả thu NSNN đến hết tháng 11/2015 đạt khá, ước thu cả năm sẽ đạt và vượt mức đã báo cáo Quốc hội; số thu NSTW theo đó cũng khả quan hơn, mức độ giảm thu NSTW khả năng thấp hơn so dự kiến đã báo cáo Quốc hội (Báo cáo Quốc hội dự kiến thu NSTW năm 2015 giảm khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng so dự toán. Đến hết tháng 11, thu cân đối NSTW ước đạt 501 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán).
Chi ngân sách nhà nước
Chi NSNN tháng 11 ước đạt 97,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 11 tháng đạt 1.015,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,5% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014, trong đó:
Chi đầu tư phát triển: Tháng 11 ước 14 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 11 tháng đạt 151,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán, tăng 7,5% cùng kỳ năm 2014, trong đó: chi cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 100% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 96,2% dự toán; chi hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động công ích đạt 92,9% dự toán;
Hết tháng 11/2015, nguồn vốn đầu tư XDCB giải ngân cho các dự án ước đạt 147,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4% dự toán (cùng kỳ năm 2014 đạt 76% kế hoạch); Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 11 tháng ước đạt 62,8% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (đạt 67,6% kế hoạch).
Chi trả nợ và viện trợ: Tháng 11 ước 15,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 11 tháng đạt 142,4 nghìn tỷ đồng, bằng 95% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2014.
Chi kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hành chính:
Đến thời điểm này, khoản chi trên ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 712,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,9% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề đạt 93% dự toán, tăng 5,3%; chi sự nghiệp y tế đạt 93,1% dự toán, tăng 7,3%; chi lương hưu và đảm bảo xã hội đạt 93% dự toán, tăng 4,3%; chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 92,8% dự toán, tăng 5,4%...
Tháng 11 chi 284,5 tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2014-2015 và Hè Thu 2015; lũy kế 11 tháng, xuất cấp 105,9 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ nhân dân và học sinh các địa phương.
Cân đối NSNN
Bội chi NSNN: Bội chi NSNN tháng 11 ước 18,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng bội chi xấp xỉ 155,6 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán năm.
Tình hình huy động vốn cho NSNN: Thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2016, trong đó cho phép thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong năm 2015 và năm 2016; Bộ Tài chính đã tích cực triển khai tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm tại thị trường trong nước, nhờ đó, bước đầu huy động đã có chuyển biến tích cực. Tính đến hết ngày 27/11/2015, qua 05 phiên đấu thầu trái phiếu, tổng số huy động đạt 26.637,1 tỷ đồng, bằng 72,3% so với tháng 10/2015, lũy kế đạt được 190.929,6 tỷ đồng, đạt 76,4% kế hoạch là 250.000 tỷ đồng.
Có thể nói, với mọi nỗ lực nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, toàn ngành Tài chính đã ra quân thực hiện công tác thu-chi; điều hành NSNN; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát; xây dựng các quy chế, chính sách tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động... kết quả là số thu về cho NSNN đã đảm bảo được yêu cầu chi tiêu và ổn định được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của quốc gia.