Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới tác động của công nghệ

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2020

Nền kinh tế thế giới đang tiến vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới đang làm thay đổi diện mạo các hoạt động kinh tế, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặc biệt, những tiến bộ của công nghệ được dự báo sẽ có những tác động sâu rộng đến hoạt động kế toán, kiểm toán, đặt ra nhiều vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu và sớm triển khai thực hiện. Bài viết phân tích các xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới sự tác động của công nghệ số, từ đó đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Tác động của công nghệ và xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhận định là sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành Kế toán – kiểm toán. Các thành tựu công nghệ sẽ ngày càng áp dụng phổ biến, tác động mạnh mẽ đối với phương thức hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói chung và cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán, kiểm toán nói riêng, cụ thể:

Một là, xu hướng tự động hóa các quy trình kế toán, kiểm toán: Quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán, kiểm toán ngày càng được phát triển, đặc biệt dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của CMCN 4.0. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, tự động hóa giúp cho việc loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán, kiểm toán.

Theo Đỗ Tất Cường (2020), hiện nay, nhiều tập đoàn kiểm toán lớn trên thế giới đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi khác nhau nhằm thích ứng công nghệ 4.0. Họ xây dựng nhiều nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ quá trình kế toán, kiểm toán và trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán; các kỹ thuật phân tích để xác định vấn đề, các phương thức khác nhau để sử dụng dữ liệu lớn và hoạt động kiểm toán đã trở nên hiệu quả hơn và thậm chí có nhiều công cụ kiểm toán mới.

Hai là, công nghệ blockchain với vai trò sổ cái đang làm thay đổi hoạt động của lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Công nghệ chuỗi khối đang làm thay đổi lĩnh vực kế toán, kiểm toán bằng việc giảm chi phí trong đối chiếu và quản lý sổ sách kế toán. Công nghệ này cũng yêu cầu sự chính xác đối với quyền sở hữu và lịch sử của các tài sản. Công nghệ blockchain sẽ cho phép sử dụng mật mã và các giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập các thông tin kế toán chi tiết theo yêu cầu kế toán. Một sổ cái duy nhất ghi lại các giao dịch giữa các tổ chức, mọi người có quyền tham gia có thể cùng xem một thông tin trong thời gian thực nên blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán. Khi kế toán, kiểm toán viên thực hiện giao dịch trên chuỗi, tất cả các máy tính trong mạng lưới sẽ xác định người dùng và kiểm tra xem người dùng có quyền giao dịch hay không... từ đó nâng cao tính an toàn, bảo mật của thông tin kế toán.

Ba là, thay đổi phương thức lưu trữ kế toán: Luật Kế toán năm 2015 đã có quy định về lưu trữ điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn nhằm phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ. Theo Điều 17, Luật Kế toán, chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng. Tuy nhiên, những quy định này chủ yếu đáp ứng với nền tảng công nghệ hiện nay. Trong khi đó, với sự bùng nổ của CMCN 4.0, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ blockchain và dữ liệu lớn giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này giúp khả năng xử lý số lượng dữ liệu đạt hiệu quả tốt nhất.

Bốn là, sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán, kiểm toán: Trong thời đại 4.0 các phần mềm kế toán càng được phát triển và cải thiện, chúng không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách, mà còn đảm bảo độ chính xác cao. Phần mềm kế toán online là một trong những phần mềm tốt nhất của cuộc CMCN 4.0. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh của công nghệ thông tin, lập trình website và hệ thống nghiệp vụ tài chính – kế toán – quản trị. Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế (Trần Thị Ngọc Anh, 2019). 

Năm là, thay đổi vai trò của kế toán và kiểm toán viên: Công nghệ sẽ làm thay đổi vai trò của kế toán, kiểm toán viên trong hoạt động nghề nghiệp. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc chuyên môn truyền thống, họ sẽ chuyển sang tập trung vào phân tích dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của DN thay vì tập trung vào đảm bảo tính xác thực và sự phù hợp với các chuẩn mực kế toán của các giao dịch trong DN. Theo Đỗ Tất Cường (2020), các kế toán, kiểm toán viên có vai trò mới là những nhà tư vấn có các kỹ năng độc đáo trong phân loại và xử lý dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo DN. Xử lý và phân tích các con số tài chính của những kế toán, kiểm toán viên giúp cho lãnh đạo DN hiểu sâu sắc hơn hoạt động của DN, điều mà giúp cho họ xác định được những khâu, lĩnh vực nào của DN sẽ phải cải thiện để gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và quản lý rủi ro tốt hơn.

Sáu là, sự thay đổi mô hình tổ chức các DN kế toán, kiểm toán của Việt Nam: Dưới ảnh hưởng từ các xu hướng phát triển của các DN kế toán, kiểm toán của khu vực và thế giới, đáp ứng những nhu cầu mới của DN trong các ngành công nghiệp khi ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình tổ chức các DN kế toán, kiểm toán của Việt Nam cũng cần phải được thay đổi. Nhiều DN ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi mô hình tổ chức để ứng dụng các công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo nhằm làm giảm chi phí và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực là một thực tế mà các DN kế toán, kiểm toán phải cân nhắc và thay đổi mô hình tổ chức của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi mô hình tổ chức như vậy chưa có tiền lệ và các DN kế toán, kiểm toán cũng cần phải học tập, thu thập tri thức mới về các mô hình tổ chức DN trong lĩnh vực của mình có ứng dụng các công nghệ mới này.

Bảy là, chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy sẵn sàng hội nhập kinh tế nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện. Tính đến năm 2028 Việt Nam mới chiếm 2% trong tổng kế toán viên toàn khu vực ASEAN. Như vậy thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ thâm hụt về số lượng mà cả về chất lượng đội ngũ người làm kế toán - kiểm toán.

Khuyến nghị cho Việt Nam

CMCN 4.0 có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các DN kế toán, kiểm toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp hơn, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Trước những thay đổi của công nghệ và tác động của nó đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức về tác động của công nghệ số nói chung và CMCN 4.0 nói riêng đến hoạt động lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Quá trình số hóa lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam là xu thế không thể tránh khỏi, bởi vì các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng và phong phú. Theo Trần Thị Ngọc Anh (2019), điều quan trọng là những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Thứ hai, cần có những biện pháp quyết liệt để thực hiện trong bối cảnh lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới, trong cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tương ứng. Sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng internet sẽ đặt ra những giới hạn cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là bài toán nan giải của lĩnh vực kế toán, kiểm toán do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không phải là việc có thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Bên cạnh đó, rất khó để tiếp cận công nghệ chỉ trong một thời gian ngắn, đòi hỏi các DN phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nhân viên kế toán. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng phụ thuộc vào định hướng phát triển và tư duy của các nhà quản trị DN.

Thứ ba, chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán, kiểm toán là rất hiện hữu trong môi trường mạng. Đây là một nguy cơ lớn mà các kế toán, kiểm toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới. Do vậy, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán. 

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Dưới sự tác động của CMCN 4.0, các dữ liệu về hồ sơ, giấy tờ kế toán sẽ dần được chuyển sang dạng số hóa, điều này làm cho các kế toán, kiểm toán viên với những kỹ năng thông thường khó có thể nắm bắt được sự đa dạng về loại hình và hình thức giao dịch số. Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho các kế toán và kiểm toán viên. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu của các nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán, kiểm toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý. CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo và bản thân DN thay đổi các chương trình đào tạo và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Thứ năm, tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán và các tổ chức phi chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán và trong việc hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ gắn với ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động.

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội, Luật Kế toán năm 2015;

Đỗ Tất Cường (2020), Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020;

Nguyễn, Thắng (2019), "Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam", Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam(12), tr. 14-16;

Trần Thị Ngọc Anh (2019), Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 9/2019;

ACCA (2016), Professional Accountants—The Future: Drivers of Change and Future Skills, ACCA London, UK, London, UK;

PwC (2018), Financial Statement Audit: Tech-Enabling the Audit for Enhanced Quality and Greater Insights, Pricewaterhouse and Cooper.