Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vào đường tăng tốc...

TS. PHẠM THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Sau hai năm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty bước đầu đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Điều này khẳng định, tái cơ cấu đang là “liều thuốc” hữu hiệu giúp DNNN “tăng lực” để phát triển…

DNNN đã nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nguồn: internet
DNNN đã nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nguồn: internet

Chuyển biến tích cực

Năm 2014 là năm thứ ba và cũng là năm “nước rút” thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được Đảng và Nhà nước đặt ra (2011-2015). Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, tuy nhiên kết quả ban đầu vẫn phát đi nhiều tín hiệu tích cực.

Theo báo của Đảng ủy Khối DN Trung ương, trong giai đoạn 2011–2015, có 28/32 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay, toàn bộ 28 đơn vị trong diện xây dựng đề án tái cơ cấu đều đã hoàn thành xây dựng đề án; trong đó có 24 đơn vị đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu (18 đề án do Thủ tướng phê duyệt và 06 đề án do các Bộ chủ quản phê duyệt). Đặc biệt, ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); các đơn vị còn lại là: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam vị đã trình đề án, đang tiếp thu, hoàn thiện và chờ được phê duyệt. Bên cạnh đó, đến nay đã có 3 công ty mẹ đã cổ phần hóa (CPH) là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam; ngoài ra, các công ty mẹ cam kết hoàn thành CPH trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không. Tiến độ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2015 với việc CPH bốn công ty mẹ của các tổng công ty: Hàng hải, Sông Đà, Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị, Công nghiệp Xi-măng.

Điểm nhấn đang ghi nhận từ đơn vị tái cơ cấu là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Từ tháng 10/2013, Tập đoàn này đã chấm dứt hoạt động và chuyển sang mô hình tổng công ty. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy ra đời với 8 đơn vị thành viên được giữ lại, 234 DN còn lại phải phá sản, cắt giảm. Tính đến hêt quý I/2014, Tổng công ty này đã hoàn thành giảm đầu mối 61 đơn vị. Sau khi tác cơ cấu, với mô hình mới Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã phát huy hiệu quả ban đầu, khi nhiều dự án đóng tàu được ký kết, các DN hoạt động trở lại…

Mặc dù, phải chịu những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán suy giảm nhưng công tác CPH và thoái vốn đầu tư giai đoạn 2011-2013 vẫn vượt qua khó khăn để mang lại những kết quả ban đầu. Theo đó, đã tiến hành triển khai công tác CPH tại 50 DN và số đã hoàn thành CPH 10 DN trong tổng số 80 DN cần tái cơ cấu tại 24 đơn vị. Ngoài ra, công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được triển khai tích cực, trong 2 năm, đã thực hiện thoái vốn xong 167 DN với tổng số vốn thu về trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Tiến độ này đang được quyết liệt thực hiện để đến năm 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn toàn bộ tại 472 DN.

Song song với thực hiện tái cơ cấu, các DNNN đã nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng vẫn được cải thiện đáng kể. So với năm 2011, tổng doanh thu năm 2013 của khối các DNNN tăng 8,3% lên 1.804.821 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 34% lên 1.034.588 tỷ đồng (tương đương 263 nghìn tỷ đồng); Tổng lợi nhuận tăng 25,7%, nộp ngân sách nhà nước đạt 297.023 tỷ đồng… Đặc biệt, trong top 100 DN lớn nhất Việt Nam năm 2013 (theo bảng xếp hạng VNR500) có đến hơn 50% là DNNN, chiếm 43% tổng thuế phải nộp của các DN trong bảng xếp hạng. Trong tốp 10 DN lớn nhất, có đến 8 DNNN, chiếm 20% tổng thuế phải nộp của 500 DN này, gần tương đương với mức thuế của khu vực tư nhân và FDI.

Rõ ràng, tái cơ cấu DNNN không phải là xóa bỏ mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Tiếp tục đẩy nhanh lộ trình

Ghi nhận những chuyển biến ban đầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã thẳng thắn đánh giá, tiến độ tái cơ cấu, đặc biệt là CPH vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Thực tế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chưa thất sự quyết liệt, công tác tổ chức thực hiện đề án sau phê duyệt còn chậm. Cùng với đó, vấn đề quản trị DN đổi mới cũng chưa tạo được sự đột phá, tại một số tập đoàn, tổng công ty năng lực quản trị chưa tương xứng với quy mô, vị trí của đơn vị. Công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn lỏng lẻo…

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân góp phần làm chậm tiến trình tái cơ cấu DNNN được xác định là do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt (năm 2013 có 18 đề án, năm 2012 có 5 đề án, năm 2011 có 1 đề án). Các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ. Đồng thời, trong 3 năm qua thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hóa, thoái vốn. Ngoài ra, chính bản thân các đơn vị cũng chưa thực hiện quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.

So với năm 2011, tổng doanh thu năm 2013 của khối các DNNN tăng 8,3% lên 1.804.821 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 34% lên 1.034.588 tỷ đồng (tương đương 263 nghìn tỷ đồng); Tổng lợi nhuận tăng 25,7%, nộp ngân sách nhà nước đạt 297.023 tỷ đồng…

Để khắc phục được những tồn tại trên, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tái cơ cấu DNNN đề ra, một số giải pháp đã được Đảng ủy Khối các DN Trung ương đã đề ra, cụ thể: Chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối, đảm bảo chỉ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề liên quan đã được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu; Kiện toàn cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DN, tăng thu nộp ngân sách nhà nước hằng năm; Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng trong DN cho phù hợp với mô hình tổ chức DN sau tái cơ cấu.

Các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; đổi mới nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN. DNNN phải được đổi mới về quản trị để làm tốt nhiệm vụ của mình; đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DN, trước hết là trách nhiệm của đảng viên là lãnh đạo cấp uỷ và DN, xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng đối với những đảng viên không chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả đề án tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.

Mặt khác, để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình CPH, quản trị DN thì việc sửa đổi, bổ sung Luật DN cần sớm được thực hiện. Theo đó, bổ sung các quy định riêng điều chỉnh quản lý và hoạt động của các DNNN hoặc xem xét ban hành luật riêng dành cho DNNN phù hợp với những đặc thù về chủ sở hữu, mục tiêu hoạt động, vị trí, vai trò.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2014