Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành Tài chính

Phương Hoa

Trong những năm qua, công tác thanh tra phòng chống tiêu cực, tham nhũng đã được Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao và đã đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi.

Trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn chú trọng việc tập huấn, tuyên truyền về công tác thanh tra, chống tham nhũng cho các cán bộ, đảng viên.
Trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn chú trọng việc tập huấn, tuyên truyền về công tác thanh tra, chống tham nhũng cho các cán bộ, đảng viên.

Từ nhận thức đúng…

Ngay từ năm 1986, khi tiến hành cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chính sách mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã nhìn thấy những diễn biến đáng lo ngại về tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội. Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Đảng đã nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; Quản lý ngân sách; Thu thuế, phí; Quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” .

Nhận thức sâu sắc những tác hại nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng, coi việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: "Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.

Mọi cán bộ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Nghị quyết Đại hội thứ XII của Đảng cũng tiếp tục chỉ rõ: "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Ban cán sự, Thứ trưởng làm Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính là Phó trưởng ban thường trực có trách nhiệm tham mưu, giúp việc tích cực cho hoạt động của Ban Chỉ đạo; Xây dựng chương trình phòng, chống tham nhũng, báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; chuẩn bị nội dung, chương trình cho các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; giúp các Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc về công tác phòng, chống tham nhũng...

Công tác thanh tra phòng chống tiêu cực, tham nhũng đã được Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm chỉ đạo ngay từ bước hướng dẫn và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính. Định kỳ cuối mỗi năm, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành công văn về định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm, trong đó chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cần bám sát nhiệm vụ của Ngành, địa phương, đơn vị; Thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp về tài chính nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tài chính xác định công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính - ngân sách.

Hàng năm Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt ban hành Kế hoạch thanh tra Tài chính, trong đó: Nội dung công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được chú trọng trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra tại các cuộc thanh tra công tác điều hành ngân sách ở các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ, thanh tra hành chính đối với các đơn vị thuộc Bộ, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện rà soát, kê khai minh bạch tài sản theo quy định, đồng thời, qua công tác thanh tra đã phát hiện những kẻ hở, bất cập của cơ chế chính sách để tham mưu cho Bộ có điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện.

... Đến kết quả tích cực

Trong những năm qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, lĩnh vực tài chính đã góp phần tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước (NSNN), ý thức tuân thủ pháp luật trong điều hành, quản lý sử dụng tài chính, NSNN được nâng lên. Việc tiếp thu, thực hiện kết luận, kiến nghị của thanh tra đã được quan tâm hơn, đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã có nhiều kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân đã để xảy ra sai phạm; Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính và tài sản công; Đề xuất kiến nghị với cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và tài sản công, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí, minh bạch hoá hoạt động của cơ quan, đơn vị, khắc phục nhiều sơ hở về cơ chế chính sách quản lý tài chính-ngân sách.

Trên cơ sở các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nghị quyết TW3, khóa X, chương trình hành động của Chính phủ, Chiến lược quốc gia đến năm 2020, Kế hoạch thực thi công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, năm 2015, Thanh tra Bộ đã phối hợp tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.

Công tác nghiên cứu, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Pháp luật, quy định của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả: Tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, thông tin trên các trang điện tử, báo chí, sản phẩm truyền thông trong ngành, phát tài liệu đến cán bộ, đảng viên, công chức thông qua chi bộ, cơ quan, đơn vị...

Từ đầu năm 2015 đến ngày 30/6/2016, toàn ngành Tài chính đã tổ chức được 308 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 27.502 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hành 14 đầu sách tài liệu về phòng, chống tham nhũng... Công tác cán bộ cũng được Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc hết sức quan tâm, việc chuyển đổi cán bộ đối với một số vị trí công tác nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao được thực hiện thường xuyên; toàn ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi công tác đối với 4.161 cán bộ, chủ yếu là trong các lĩnh vực Thuế và Hải quan, Kho bạc Nhà nước...

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý số tiền lớn; một số cơ quan, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm để xử lý hình sự…

Đáng chú ý là việc thực hiện một số giải pháp phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính trong những năm gần đây đã đạt được một số kết quả nổi bật và được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao: Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã cắt giảm tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính được 420 giờ (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ).

Tiến độ triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia tiến tới kết nối theo Cơ chế một cửa ASEAN đã được đẩy nhanh hơn, thực hiện ở quy mô rộng hơn. Bộ Tài chính đã chính thức kết nối với 9 Bộ, ngành trong toàn quốc; chỉ số xếp hạng về thực hiện Cải cách hành chính của Bộ Tài chính được cải thiện… Nhờ đó, góp phần tích cực trong công phòng chống tham nhũng, lãng phí, công khai, minh bạch trong thực hiện và quản lý tài chính, ngân sách quốc gia

Tuy nhiên, tham nhũng vẫn có những biểu hiện tinh vi, phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, tham nhũng chủ yếu là lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; Nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ để trục lợi cá nhân; Chuyển giá, chuyển lợi nhuận cho các công ty khác, công ty là “sân sau” để trục lợi... Đối với lĩnh vực quản lý NSNN, tham nhũng xảy ra chủ yếu là các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp NSNN, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ nhà nước...

Tình hình tham nhũng trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là các nguyên nhân sau:

(1) Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Tính liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ, nhiệm vụ chưa cao.

(2) Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, là điều kiện làm nảy sinh tham nhũng,

(3) Một số quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ hạn chế như việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập còn hình thức; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn vướng mắc, chưa nghiêm; chuyển đổi vị trí công tác thiếu tính khả thi; trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng.

(4) Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước... vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ hiệu quả chưa cao.

Một số giải pháp

Để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, các cấp ủy, lãnh đạo trong các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần có các văn bản quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN và tài sản công.

Hai là, công tác tuyển dụng cán bộ của Ngành phải quy định rõ, cụ thể về tiêu chuẩn nhằm tuyển dụng đúng đối tượng, tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ; Cần thực hiện rà soát, sắp xếp tinh giảm cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời có chính sách khuyến khích về lương, thưởng cho cán bộ, công chức, để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao, góp phần tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực đảm bảo chặt chẽ để chặn đứng tình trạng lợi dụng kẻ hở để tham nhũng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chế độ công khai tài chính đối với các cấp NSNN, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn NSNN, các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tài chính trong các lĩnh vực thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước... nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, biển thủ công quỹ, NSNN trong phạm vi quản lý của từng đơn vị, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật được phát hiện.

Sáu là, kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; Thực hiện công khai việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe của pháp luật, tính phê phán, lên án của xã hội.